Với một đô thị, kiến trúc là bộ mặt, văn hoá là tâm hồn; còn hè, đường là mạch máu đô thị. Một thành phố được gọi là văn minh, phát triển thì bộ mặt phải gọn ghẽ, tâm hồn phải sáng sủa và mạch máu phải thông thoáng!
Vỉa hè trong quy hoạch đô thị
Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: “Vỉa hè” là phần nằm giữa lòng đường với nhà ở đô thị, là một bộ phận của phố phường, nơi dành cho người đi bộ. Trong quy hoạch quy định, đường bộ trong đô thị gồm có đường phố, vỉa hè, các công trình hai bên đường, giải phân cách, dải cây che mát và hệ thống hạ tầng kỹ thuật cơ sở dọc đường phố..., mỗi hệ thống giao thông có chức năng riêng nhưng phục vụ chủ yếu cho giao thông. Đồng thời, có nhiều loại hình sử dụng giao thông khác nhau cho ô tô, xe điện, xe buýt, đường sắt...
Riêng vỉa hè là tuyến dành phục vụ người đi bộ là chính, tùy theo loại đường, mật độ, công suất đi lại trên đường ấy người ta xác định chiều rộng vỉa hè. Ngay cả người đi bộ cũng có nhiều loại, trong đó có loại đặc biệt như người tàn tật, thậm chí ngay cả lòng đường cũng xác định phục vụ cho người tàn tật với những đường dành cho xe lăn hay những dải gồ dành cho người mù...
Cũng có những chỗ vỉa hè được xác định là không gian khác như dành những chỗ để nghỉ ngơi, điểm dừng này vừa tạo không gian quy hoạch cho người đi bộ dừng chân... Nhưng những chỗ ấy không bố trí nằm trên tuyến đi bộ và được bố trí có tổ chức chứ không phải là chỗ buôn bán bừa bãi.
Vỉa hè - “hồn phố”
Ý nghĩa tồn tại khách quan của vỉa hè đô thị lớn hơn rất nhiều so với cái vỉa hè được đề cập trong các bản qui hoạch. Một vỉa hè thật sự phải bao hàm trong đó cả những hoạt động của đô thị, bởi tiện nghi của một đô thị hiện đại ở vỉa hè còn đòi hỏi cả những băng ghế nghỉ chân, thùng chứa rác, trạm điện thoại, máy rút tiền tự động… Và khi hàng triệu xe máy còn tham gia sinh hoạt hằng ngày của người dân đô thị thì phải có chỗ của nó trên vỉa hè. Tập trung xe máy vào những nơi đậu xe cố định không phải là cách giải quyết tốt nhất, bởi không thể đủ quĩ đất để giữ đám xe máy trùng điệp đó và như vậy, tạo ra sự lãng phí rất lớn quĩ đất đô thị!
Các thành phố trên thế giới, nhất là các khu phố cổ, vỉa hè tồn tại hàng trăm năm, hoặc lâu hơn nữa… Và chúng đã trở thành “chứng nhân của lịch sử” cho những thành phố này.
Vấn đề quản lý vỉa hè
Hiện nay lượng di dân cơ học từ nông thôn lên thành thị để kiếm sống ngày một tăng và rất khó quản lý những công dân này. Nên chăng chú trọng đẩy mạnh hiện đại hóa nông thôn, hiện đại hóa nông nghiệp, tạo việc làm và phát triển dich vu seo vụ ngay chính tại những địa phương ấy mới hy vọng lượng di dân cơ học về các thành phố, và người bán hàng rong trên vỉa hè mới giảm đi được.
Vì thế tình trạng lấn chiếm vỉa hè lòng đường còn đang diễn ra ở nhiều nơi, nhiều lúc ở hầu khắp phố phường đô thị. Tình trạng này kéo dài không chỉ khiến bộ mặt phố xá trở nên nhếch nhác, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới trật tự an toàn giao thông.
Chính từ thực trạng này mới sinh ra một chuyện đối phó của các nhà quản lý, trong đó rõ nhất là việc phải giải tỏa, dọn dẹp lòng lề đường theo nghị định 36/CP. Kết quả đã triệt tiêu các sinh hoạt đô thị gắn liền với lề đường và đã sinh ra những lề đường thiếu sức sống, gây những ức chế, mâu thuẫn giữa cuộc sống đô thị với mục đích của các nhà quản lý.
Đối với một nền kinh tế còn thấp, thành phố nhỏ hẹp thì đồng nghĩa với tẩy trắng sinh hoạt lòng lề đường, trở thành mâu thuẫn với sinh hoạt mưu sinh sống còn của nhiều người. Bởi lẽ với mức thu nhập vừa phải, phương tiện đi lại phổ biến là xe máy và xe đạp, quĩ thời gian eo hẹp thì quan hệ mua bán qua những tụ điểm, những cửa hàng dọc hai bên đường… vẫn ẩn chứa lý do tồn tại khách quan, trong khi hệ thống siêu thị đã hình thành chỉ đảm đương một thị phần rất nhỏ. Cho nên thay vì cho phép với một hệ thống qui định được nghiên cứu thận trọng thì ta chỉ đơn giản là cấm! Kết quả là trật tự lòng lề đường ở các đô thị vẫn còn nguyên sự hỗn độn của nó. Vì thế cấm, phạt không phải là cách tốt nhất để giải quyết. Theo tôi, để quản lý vỉa hè, nên phân hè, đường trong đô thị thành 3 loại:
- Loại 1: Những con đường dứt khoát không cho phép buôn bán lấn chiếm vỉa hè
- Loại 2: Những con đường cho phép sử dụng vỉa hè một cách có quy hoạch, có đóng phí sử dụng;
- Loại 3: Những con đường cho phép sử dụng vỉa hè mà không cần đóng phí, có những biện pháp an toàn giao thông cho người đi bộ, xem đó như là việc hỗ trợ cho “kinh tế vỉa hè” và giúp xây dựng bản sắc đường phố.
Vấn đề quản lý vỉa hè thì nên giao về cho từng địa phương với trách nhiệm rõ ràng, việc quản lý sẽ sát thực hơn (ở thành phố Bắc Ninh đã có quyết định 2073/2012/QĐ-UB ngày 28/12/2012 quy định về quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường… đã hiệu quả, song chưa thật chi tiết).
Bàn thêm về kết cấu vỉa hè
Kết cấu vỉa hè phải có cao trình phù hợp, thuận lợi cho người đi bộ, nhất là người khuyết tật tiếp cận sử dụng, vật liệu để lát vỉa hè là loại nhám, không trơn trượt; đồng thời nghiên cứu chỉnh trang hệ thống cây xanh, thảm cỏ dọc vỉa hè nhằm tạo cảnh quan đẹp, lọc bớt tiếng ồn, khói bụi và giúp nước thẩm thấu qua đất mau hơn, giúp giảm ngập trong thành phố, thực hiện “xanh hoá vỉa hè” (hết sức tránh “vỉa hè bị bê tông hóa”, nước không thẩm thấu được vào lòng đất, mực nước ngầm thành phố sẽ giảm làm cho cây xanh chậm phát triển, gây nhiều hậu quả xấu như sụt, lún đất… rất khó xử lý. Lúc đó toàn bộ nước mưa sẽ đổ dồn xuống cống, gây quá tải cho hệ thống thoát nước, ngập lụt cục bộ sẽ khó tránh khỏi!).
Vật liệu lát vỉa hè ưu tiên làm loại vật liệu có chất lượng và tính thẩm mỹ cao như đá tự nhiên, gạch terrazo, gạch granitô. Hạn chế sử dụng các loại vật liệu lát như gạch block tự chèn, gạch bê tông đúc sẵn, gạch nung… sản xuất thủ công hoặc bán thủ công, chất lượng bề mặt thấp ở những khu vực quan trọng và tập trung đông người. Những nơi vỉa hè còn tốt không cần bóc bỏ, chỉ cần sửa chữa, thay thế, sẽ ít tốn kém hơn. Tất cả các tuyến vỉa hè đều giống nhau chưa hẳn là đẹp, nếu tạo được sắc thái riêng cho từng dãy phố, chắc chắn sẽ đẹp hơn. Với vỉa hè, phải tổ chức thi công sao cho nhanh nhất (tất nhiên phải đảm bảo chất lượng) có thể khoán làm 2 - 3 ca để cho dân đỡ khổ, nhất là ở những nơi cần buôn bán, giao dịch (trong xây dựng, hạng mục “dễ làm nhất” và có lẽ cũng “dễ ăn nhất”, đó là lát vỉa hè, bởi vỉa hè chịu lực không đáng kể, nhưng cũng dễ bị tai tiếng nhất bởi phần lớn thi công chậm và ít được quan tâm về chất lượng kỹ thuật!).
Khi đô thị phát triển, vỉa hè thường được xây dựng cùng một lúc với kiến trúc, và trở thành một thành phần của cảnh quan kiến trúc. Tuy vậy, ở những phố cũ thì việc giữ lại và tôn tạo những vỉa hè theo kiểu cổ lại phù hợp hơn là thay thế bằng vỉa hè gạch đủ màu như nhiều nơi đang làm. Các khu vực đang còn phải đào đắp vỉa hè nhiều lần để cải tạo nâng cấp hạ tầng, thì nên thiết kế sao cho sau khi đào đắp, vẫn có thể tái sử dụng vật liệu phủ bề mặt đã sử dụng trước đó, để tiết kiệm chi phí xây dựng và thời gian thi công.
Vỉa hè là một phần của giao thông đô thị, nếu hiểu thấu đáo và quản lý tốt, sẽ góp phần rất không nhỏ trong việc quản lý đô thị, nhất là khi đô thị ấy đang phấn đấu trở thành một đô thị văn minh, hiện đại!
Ý kiến ()