Vừa qua, một số phương tiện thông tin cho rằng tuyến kênh Cống Thôn-vùng giáp ranh giữa 2 địa phương: Phường Đình Bảng (TX Từ Sơn-Bắc Ninh) và xã Ninh Hiệp (Gia Lâm-Hà Nội) đang bị xâm hại bởi việc xây dựng hàng loạt ki ốt trên kênh, gây ách tắc dòng chảy và ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân xung quanh. Phóng viên báo Bắc Ninh đã tìm hiểu, xác minh, làm rõ sự việc.
Cải tạo kênh dẫn nước-Giảm ô nhiễm môi trường
Về thông tin cho rằng việc xây dựng các ki ốt sẽ làm ảnh hưởng dòng chảy, gây ngập úng cục bộ và ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân. Chúng tôi tìm hiểu và được biết: Trước khi triển khai dự án, tuyến kênh Cống Thôn, đoạn từ cống Baza đến Thềm Long thường xuyên bị ách tắc bởi lượng rác thải, chất thải từ một số hộ dân đổ xuống, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Chị Nguyễn Thị Ngọc, khu phố Long Vỹ (Đình Bảng) và chị Nguyễn Thị Ánh ở xóm 8 (Ninh Hiệp) phản ánh: “Mấy năm qua, người dân chúng tôi rất bức xúc về tình trạng ô nhiễm của tuyến kênh Cống Thôn: Túi ni lông, vải vụn, thậm chí có cả xác động vật nổi khắp mặt kênh… Từ khi tỉnh Bắc Ninh triển khai dự án cải tạo, nâng cấp kênh và xây dựng các ki ốt thì không còn tình trạng đổ trộm rác thải nữa”.
Ông Nguyễn Thế Năng, Chi cục Phó, Chi cục Thủy Lợi (Sở Nông nghiệp&Phát triển nông thôn Bắc Ninh) cho biết: “Nhiều năm qua đơn vị thủy nông phải đầu tư rất nhiều công và kinh phí để cải tạo, nạo vét và bảo dưỡng tuyến kênh Cống Thôn. Đây là điều khó khăn đã xảy ra nhiều năm qua, nhưng hiệu quả đem lại chưa cao, bởi người dân cứ tự ý đổ rác thải, chất thải xuống lòng kênh”.
Để tạo nguồn vốn xây dựng công trình ngầm hóa kênh Cống Thôn đoạn từ cống Baza đến cống Thềm Long, UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư- Công ty TNHH Thượng Hải (Thịnh Lang, Đình Bảng) làm nhà đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng-Kinh doanh-chuyển giao (BOT): Tổng cộng thời gian là 48 năm, trong đó thời gian thi công là 3 năm và thời gian vận hành khai thác là 45 năm.

Kiên cố hóa lòng kênh Cống Thôn.
Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi thu nhận một số ý kiến băn khoăn về việc xây dựng những ki ốt trên mặt kênh Cống Thôn làm ảnh hưởng đến khả năng dẫn nước. Về vấn đề này, ông Ngô Chí Hướng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên KTCTTL Bắc Đuống khẳng định: “Trước khi thi công công trình, Công ty TNHH Thượng Hải có tham khảo ý kiến của các đơn vị chuyên môn: Các chỉ số như số chiều rộng đáy kênh là 3m, chiều cao mực nước 1,3m và hệ số mái là 1,25m, kênh hình thang đều bảo đảm khả năng dẫn và tiêu thoát nước thuận lợi đến công trình đầu mối”. Việc nâng cấp hệ thống hạ tầng tiêu thoát nước, ngầm hóa đoạn kênh Cống Thôn (dài 587 m) có vai trò quan trọng trong quá trình phục vụ tưới khoảng 80 ha đất nông nghiệp và tiêu thoát cho khoảng 240 ha qua trạm bơm Phù Đổng-Thịnh Liên.
- Theo khoản 5, Điều 3, Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi số 32/2001/PL-UBTVQH10 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 4-4-2001 quy định “Công trình thủy lợi được khai thác, sử dụng tổng hợp để phục vụ các ngành kinh tế quốc dân. Tại khoản 1 điều 4 quy định ưu tiên đầu tư, hỗ trợ cho việc khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. - Theo khoản 3 điều 24, Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28-11-2003 qui định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi: Khai thác các hoạt động du lịch thể thao, nghiên cứu khoa học các hoạt động kinh doanh, dich vu seo vụ. -Theo quy định của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi số 32/2001/PL-UBTVQH10 ngày 4-4-2001 và các văn bản hướng dẫn thi hành:
Điều 22, Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28-11-2003 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi quy định như sau: “Việc thay đổi tiêu chuẩn, quy mô, mục đích sử dụng của công trình thủy lợi đã có và việc xây dựng bổ sung công trình thủy lợi vào hệ thống công trình thủy lợi đã có theo quy định tại Điều 24 Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, được quy định như sau: 1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình thủy lợi nào thì có thẩm quyền quyết định việc thay đổi tiêu chuẩn, quy mô, mục đích sử dụng của công trình thủy lợi đó và phê duyệt việc xây dựng bổ sung công trình thủy lợi mới vào hệ thống công trình thủy lợi đã có; 2. Trường hợp đối với công trình thủy lợi từ cấp I trở lên không do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt dự án đầu tư thì việc thay đổi tiêu chuẩn, quy mô, mục đích sử dụng của công trình thủy lợi đã có và việc xây dựng bổ sung công trình thủy lợi vào hệ thống công trình thủy lợi phải được sự thoả thuận bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”. |
Xây dựng ki ốt: Tạo thêm việc làm cho người lao động
Ngày 8-6-2010, UBND huyện Gia Lâm (Hà Nội) có Công văn số 450/UBND-VP đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh và UBND phường Đình Bảng (TX Từ Sơn) phối hợp lập dự án đầu tư về thực hiện cứng hóa kênh mương Baza-Cống Kè theo hình thức BOT. Với những lý do trên, đồng thời căn cứ quy định tại Điều 1, Nghị định 24/2011/NĐ-CP ngày 5-4-2011 của Chính phủ quy định đối với lĩnh vực đầu tư mà Chính phủ khuyến khích thực hiện theo các hình thức BT, BOT, BTO là hoàn toàn phù hợp. Từ đó, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản số 234/UBND-NN ngày 17-2-2012 đồng ý về chủ trương cứng hóa theo hình thức BOT. Ngày 6-11-2013, UBND tỉnh Bắc Ninh có Quyết định số 1261/QĐ-UBND: Phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình ngầm hóa kênh Cống Thôn đoạn từ cống Baza đến cống Thềm Long (Phường Đình Bảng-TX Từ Sơn) cùng hệ thống ki ốt trên mặt kênh (108 ki ốt được xây dựng 2 tầng, gồm 3 dãy, có các khe thoáng (mỗi khe thoáng rộng 5 m để phục vụ vận hành, nạo vét và công tác quản lý. Mỗi ki ốt có diện tích khoảng 4x12 m). Tổng giá trị dự án là 55.475.542.000 đồng với tổng diện tích dự án là 7.430,16 m2 theo hình thức hợp đồng BOT.
Ông Nguyễn Duy Khảm, Chi cục Trưởng, Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 7, Quy định Về việc cấp giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi (Ban hành kèm theo Quyết định số: 55/2004/QĐ-BNN ngày 01 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Điểm c, Khoản 2 Điều 22 Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi năm 2001; Khoản 2, Điều 9, Thông tư số 45/2009/TT-BNNPTNT ngày 24/7/2009 về Hướng dẫn lập và phê duyệt Phương án bảo vệ công trình thuỷ lợi cho thấy: Việc Chi cục Thủy lợi tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp nhận và thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi (Kênh Cống Thôn đoạn từ Baza đến cống Thềm Long) và trình UBND tỉnh cấp phép xây dựng là phù hợp với quy định”. |
Sau khi có quyết định phê duyệt dự án, Công ty TNHH Thượng Hải tập trung nguồn lực triển khai xây dựng dự án. Từ tháng 5-2014 đến nay, Công ty đã xây dựng cơ bản xong phần thô giai đoạn 1: Cứng hóa kênh mương và 58 ki ốt. Được biết trên tuyến kênh Cống Thôn nằm trên địa bàn xã Ninh Hiệp (Gia Lâm-Hà Nội) từ năm 2009, địa phương này đã nhạy bén đầu tư hơn 10 ki ốt với chiều dài 300 m tại thượng lưu cống Baza, vừa để nạo vét kênh mương, vừa giảm ô nhiễm môi trường và tạo điều kiện cho người dân mở rộng giao thương, buôn bán.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Lan, Giám đốc Công ty TNHH Thượng Hải từ khi Công ty TNHH Thượng Hải đầu tư xây dựng dự án, đơn vị thi công nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân Đình Bảng và Ninh Hiệp. Chị Nguyễn Thị Ngọ, xóm 3, xã Ninh Hiệp, Gia Lâm (Hà Nội) phấn khởi: “Khi công trình được hoàn thành, sẽ đem lại nhiều cơ hội xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường và lợi ích thiết thực cho cả 2 địa phương”.
Những dãy ki ốt đang dần tạo ra một diện mạo mới, cải thiện cảnh quan đô thị và sức bật vươn xa cho Đình Bảng và Ninh Hiệp. Việc xây dựng những dãy ki ốt trên tuyến kênh cống Baza đến Thềm Long, không những nâng cao khả năng vận hành tưới tiêu, giảm ô nhiễm môi trường và tình trạng ách tắc giao thông cho xã Ninh Hiệp mà còn mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh cho người dân trong quá trình hội nhập nền kinh tế.
Ý kiến ()