Thời gian qua, các sở, ngành, đơn vị, địa phương Bắc Ninh đẩy mạnh đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, giải bài toán đầu ra cho nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của tỉnh. Sàn TMĐT với phương thức tiêu thụ trực tuyến đang là hướng đi hiệu
Công ty TNHH PTK 879 Việt Nam tại thị trấn Lim (Tiên Du) chuyên sản xuất các sản phẩm: Mắm tép chưng thịt PTK, thịt sào mắm ruốc, trâu khô, heo khô, 100% đều đạt chất lượng 4 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Hiện tại, sản phẩm của công ty được tiêu thụ rộng rãi tại các siêu thị: DABACO, Huy Hùng và nhiều cửa hàng thực phẩm sạch trong tỉnh và các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, thành phố Hồ Chí Minh… Theo ông Nguyễn Đình Dũng, Giám đốc công ty, ngoài các kênh bán hàng, phân phối trực tiếp, đơn vị đẩy mạnh niêm yết, bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử như: Chợ Bắc Ninh, Postmart.vn, Voso.vn, Lazada, Sendo, Shopee, Selly bởi đây là xu thế tất yếu mang lại nhiều thuận lợi cho khách hàng. Các sản phẩm của PTK được khách hàng tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước biết đến, tin tưởng, ưa chuộng, giúp công ty duy trì ổn định sản xuất kinh doanh.
Công ty TNHH Thương mại và Chế biến thực phẩm nem 99 Kinh Bắc, xã Quảng Phú (Lương Tài) ra đời từ năm 2018. Nhờ công nghệ bán hàng trên nền tảng số, đến nay, thương hiệu được “phủ sóng” khắp cả nước. Ông Phạm Văn Tiến, Giám đốc Công ty cho biết: “Theo phương pháp bán hàng truyền thống rất khó tiếp cận khách hàng ở xa, sàn TMĐT đã khắc phục được điều đó. Nhờ đó, hoạt động quảng bá sản phẩm không còn bị bó hẹp trong không gian địa lý nhất định, dễ dàng tiếp cận khách hàng ở mọi miền. Đây là cơ hội tốt để các sản phẩm được lên sàn thương mại, quảng bá rộng rãi sản vật địa phương”.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có 167 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt tiêu chuẩn 3 sao và 4 sao, trong đó, 20% chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP có website giới thiệu sản phẩm; 100% cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP có tài khoản giao dịch điện tử ngân hàng; 50% cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP theo dõi, ghi chép nhật ký sản xuất, bán hàng bằng sổ điện tử trên máy vi tính. Để hỗ trợ nông sản trên các sàn thương mại điện tử, Cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trang thông tin điện tử của Trung tâm Khuyến nông và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh thường xuyên đăng tải thông tin, hình ảnh quảng bá, giới thiệu các cơ sở sản xuất, sản phẩm nông sản tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh. Đồng thời, tổ chức hội chợ, triển lãm, thông qua các kênh truyền thông quảng bá rộng rãi trên nền tảng số, sàn thương mại điện tử; tổ chức lớp tập huấn chuyên ngành ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, chú trọng nội dung chuyển đổi số, truy suất nguồn gốc nông sản và hướng dẫn người dân khai thác, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và bán hàng trên không gian mạng; tập huấn tạo dựng video quảng bá sản phẩm nông sản, góp phần kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh.
Sàn thương mại điện tử “Chợ Bắc Ninh” tích cực triển khai bán, giới thiệu các sản phẩm OCOP, nông sản trên địa bàn tỉnh.
Sở Công Thương giúp nông dân kết nối, tiêu thụ nông sản thường xuyên cung cấp thông tin dữ liệu, phân tích dự báo thị trường, giá thành đối với từng loại sản phẩm nông sản của các huyện, thị xã, thành phố; cung cấp thông tin phục vụ việc tuyên truyền tiêu thụ sản phẩm nông sản của các huyện, thị xã, thành phố; hỗ trợ sàn TMĐT trong thực hiện thủ tục xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu ra quốc tế; tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ theo chức năng chuyên môn cho hộ sản xuất nông nghiệp; xây dựng ứng dụng “Sàn thương mại điện tử Bắc Ninh” (http://www.ecombacninh.vn) ứng dụng trên nền thiết bị di động, để tạo thuận lợi cho các chủ thể đưa sản phẩm lên sàn và người tiêu dùng truy cập mua sắm.
Theo ông Nghiêm Đình Hách, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, nhằm kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối, mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, tránh ùn ứ khi cao điểm thu hoạch, hạn chế phụ thuộc vào thương lái và khâu trung gian… từ cuối năm 2021, Sở tham mưu với UBND tỉnh xây dựng kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Các hộ sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ đưa lên sàn TMĐT khi đạt một trong các tiêu chí: Quy mô sản xuất 10.000 sản phẩm/năm hoặc từ 5 tấn sản phẩm trở lên. Có đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, có tem truy xuất nguồn gốc bảo đảm đúng kỹ thuật quy định. Sản phẩm được chứng nhận OCOP, VietGAP, GlobalGAP, TCVN về nông nghiệp hữu cơ, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các huyện, thành phố, Bưu điện tỉnh và Viettel post tiến hành tập huấn cho khoảng 300 hộ, cơ sở sản xuất, HTX có sản phẩm đáp ứng các tiêu chí.
Là một trong những trang TMĐT thực hiện nhiệm vụ kết nối tiêu thụ nông sản, thời gian qua Công ty TNHH Thương mại An Huy Vina, chủ sở hữu nền tảng ứng dụng sàn TMĐT “Chợ Bắc Ninh” tích cực triển khai bán, giới thiệu các sản phẩm OCOP, nông sản trên địa bàn tỉnh, giới thiệu thông tin về các doanh nghiệp, sản phẩm. Theo ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại An Huy Vina, chủ sở hữu nền tảng ứng dụng sàn TMĐT “Chợ Bắc Ninh”, chỉ sau hơn 2 tháng đưa sàn TMĐT “Chợ Bắc Ninh” vào vận hành thử nghiệm đã có 300 đơn vị, doanh nghiệp đăng ký mở gian hàng với gần 500 mã sản phẩm OCOP, 1.000 sản phẩm làng nghề, nông sản chế biến sâu… trong đó 50 đơn vị, doanh nghiệp đăng ký xác thực địa chỉ gian hàng uy tín (đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận xuất xứ, nguồn gốc, quy trình sản xuất của các cơ quan quản lý chức năng. Hiện tại, mỗi tháng sàn TMĐT “Chợ Bắc Ninh” giúp kết nối và trực tiếp tiêu thụ nông sản với giá trị 1-1,2 tỷ đồng”.
So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn TMĐT không những mở thêm cơ hội giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước mà còn hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản thuận lợi hơn, tránh bị thương lái ép giá. Tuy nhiên, số lượng và sản lượng nông sản, sản phẩm OCOP được đưa lên sàn TMĐT để quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ còn nhiều khó khăn, thách thức do phải cạnh tranh với các nền tảng mạng xã hội từ nước ngoài; nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng; thiếu sự quản lý với các nền tảng xuyên biên giới; người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng khi mua hàng trực tuyến vì lo “chất lượng kém so với quảng cáo”, “lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ”…
Để tăng cường hiệu quả hoạt động TMĐT các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền, đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp tham gia khai thác ứng dụng TMĐT; việc phát triển hạ tầng, hỗ trợ giao dịch điện tử và tích hợp thanh toán điện tử trên các nền tảng di động; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong sản xuất sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm… Đồng thời tạo cơ hội tìm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần tăng thu nhập cho cơ sở sản xuất và người dân trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Tuấn
Ý kiến ()