Khi thi đấu quyết tâm, nỗ lực hết mình, trở thành huấn luyện viên (HLV) lại tận tâm, tận lực, say cháy với nghề. Từ tập luyện đến thi đấu, dù trong hay ngoài nước người HLV ấy vẫn luôn sát cánh, đồng hành để chung vui khi học trò giành chiến thắng, hay trở thành chỗ dựa khi các em thua cuộc… Những việc làm trách nhiệm, ý nghĩa này của HLV Trịnh Văn Thanh (sinh năm 1989, Quảng Phú, Lương Tài), phụ trách môn vật (Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh) trở thành điểm tựa cho các đô vật Bắc Ninh nuôi dưỡng khát vọng “bay cao, bay xa” ra đấu trường Quốc tế.

Trò chuyện với ông Vũ Tiến Đạt, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh, người từng có thời gian dài trước đây trực tiếp phụ trách môn vật của Trung tâm, chúng tôi biết thêm được những tiêu chí “bất thành văn” của nghề HLV môn vật. Theo ông Đạt, thì vật là môn thể thao đặc thù (vừa có tính dân tộc, vừa có tính hiện đại), nên nếu anh làm HLV mà không thực sự giỏi về chuyên môn, tâm huyết, trách nhiệm với nghề thì không thể huấn luyện, đào tạo ra lớp VĐV chất lượng được. Làm HLV môn vật không thể là người chỉ biết “giơ tay năm ngón, thao thao bất tuyệt” mà phải trực tiếp “cầm tay, chỉ việc” từng VĐV. Phải lăn lộn, cùng ăn, cùng tập, hòa đồng, chia sẻ với VĐV những lúc vui, cũng như buồn. Có thế người HLV mới biết điểm mạnh, yếu mà tìm cách khơi nguồn, đánh thức tiềm năng, tố chất để rèn giũa, phát huy hết khả năng, giới hạn của từng VĐV.
“Từ khi bộ môn vật của tỉnh được thành lập (năm 2006), đến nay dù có lúc nhiều, lúc ít HLV, song ngành TDTT đều nhất quán quan điểm, để trở thành HLV môn vật thì trước tiên người đó phải đi lên từ VĐV, bởi chỉ có kinh nghiệm được trui rèn qua thực tiễn tập luyện, thi đấu mới phù hợp để truyền đạt cho lớp VĐV kế cận sau này. Ví như trường hợp của HLV Trịnh Văn Thanh, phụ trách môn vật của Trung tâm là một ví dụ điển hình. Thời còn là VĐV, anh Thanh từng giành tới hơn 30 tấm huy chương ở các giải đấu trong và ngoài nước. Trong đó có không ít tấm huy chương danh giá như HCV ở 2 kỳ Đại hội, HCV Đông Nam Á, Vô địch Quốc gia… Đáng nói, trong số huy chương anh giành được không chỉ ở một hạng cân, nội dung thi đấu nhất định, mà đến từ nhiều hạng cân, nhiều nội dung thi đấu, từ vật cổ điển, vật tự do đến cả vật dân tộc. Điều mà từ trước tới nay chưa từng có đô vật nào làm được trong mầu áo đội tuyển vật của tỉnh”- ông Đạt chia sẻ thêm.

HLV Trịnh Văn Thanh (ngoài cùng bên trái) cùng lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh, Ban huấn luyện môn vật tỉnh chúc mừng VĐV Trần Thị Ánh giành HCV Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX.
Ngay từ những năm tháng còn thi đấu, với nhãn quan và kinh nghiệm của mình, Trịnh Văn Thanh phát hiện, giới thiệu cho đội nhiều VĐV triển vọng. Sau đó những VĐV này đều đã khẳng định được tài năng khi đem về những tấm HCV ở giải trẻ Đông Nam Á cho thể thao tỉnh, như các đô Trịnh Văn Trung, Trịnh Văn Đức… Đó là những minh chứng cho con mắt nhìn người, dùng người hơn người của Trịnh Văn Thanh. Và thực tế cũng đã chứng minh, kể từ khi anh được cất nhắc lên làm HLV phụ trách đội trẻ (cuối năm 2015), rồi phụ trách bộ môn vật của Trung tâm (năm 2021) thì thành tích, thứ hạng của môn vật tỉnh nhà đều tăng dần qua các giải đấu (cả về số lượng, chất lượng huy chương), nhất là ở nội dung Vật cổ điển, luôn nằm trong tốp đầu cả nước.

Nhớ về những ngày đầu trên cương vị HLV, anh Thanh bộc bạch: Sau khi tốt nghiệp khoa Huấn luyện của Trường Đại học TDTT Bắc Ninh năm 2014, thì sang năm 2015, tôi được Trung tâm tin tưởng giao trọng trách huấn luyện lứa trẻ để bổ sung lực lượng cho đội tuyển vật của tỉnh sau này. Nhiệm vụ là vậy, song thực tế lúc đầu tôi cũng không biết bắt đầu từ đâu, phải làm những gì, làm như thế nào? Nhưng rồi được lãnh đạo định hướng, được các thầy, các anh, chị trong Ban huấn luyện động viên nên tôi cũng tự tin, chủ động xây dựng kế hoạch, mày mò tìm hiểu, nghiên cứu kỹ giáo án, giáo trình của các Trung tâm khác để chắt lọc những gì phù hợp nhất đem áp dụng vào thực tế đào tạo của bộ môn.
Nhưng giáo án dẫu có hay, phương pháp có khoa học, tiến bộ đến mấy mà không có nguồn VĐV chất lượng để đào tạo thì cũng coi như thất bại từ trong “trứng nước”. Thế nên, nhiệm vụ quan trọng và cấp bách hàng đầu đặt ra cho tôi cũng như các HLV đội trẻ lúc đó là làm sao tìm kiếm, phát hiện, tuyển chọn được những VĐV chất lượng ở các địa phương để đưa về Trung tâm đào tạo. Vậy là chúng tôi thay nhau lăn lộn đến các địa phương có sới vật truyền thống nổi tiếng trong và ngoài tỉnh để thăm nắm, dò tìm. Thậm chí còn đặt vấn đề phối hợp với cán bộ của Trung tâm văn hóa, thể thao ở các huyện, thành phố, các giáo viên dạy giáo dục thể chất ở các trường học nhằm phát hiện, tuyển chọn cho được những VĐV có tiềm năng, tố chất của môn vật.
Nhưng với bộ môn vật, tìm được người đã khó, thuyết phục được các em, cũng như gia đình VĐV còn nan giải gấp bội. Không ít trường hợp chúng tôi phải thay phiên nhau đi đi về về với gia đình hàng tháng trời để động viên, trao đổi, từng bước tháo gỡ những khúc mắc của gia đình để nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của họ. Vì thế mà mất mấy tháng trời tìm kiếm, chúng tôi cũng chỉ sàng lọc, tuyển chọn được gần 10 VĐV trẻ để đưa về đào tạo tập trung tại Trung tâm. Về Trung tâm, các em được HLV trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn cặn kẽ từng động tác, đòn thế tập luyện, truyền thụ các kỹ năng, chiêu thức: nắm, kéo, vặn, đè…Ban đầu thì chỉ cho các em làm quen, sau tập ít một, rồi nâng dần khối lượng vận động.
Người xưa có câu: “Không thầy đố mày làm nên”. Trong cuộc sống, công việc, học tập… thì ngoài nỗ lực tự thân, kiên trì, bền chí, người thành công đều là những người may mắn gặp được những người thầy đáng kính, có tâm, có tầm, tận tình chỉ dạy. Là một trong những đô vật đầu tiên được đưa về đào tạo từ năm 2015, VĐV Nguyễn Trọng Nam (sinh năm 2023, xã Cao Đức, Gia Bình) vừa giành được HCV Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX, tâm sự: “Em nhớ những ngày đầu mới lên Trung tâm tập luyện, thấy nhớ nhà và tủi thân lắm. Cứ sau mỗi buổi tập, cơ thể mệt mỏi, chán nản vô cùng. Hàng ngày chúng em phải tập luyện 5 đến 6 tiếng, với rất nhiều bài, như: chạy, tạ, xà đơn, kép và chuyên môn. Với cường độ như vậy, bản thân em cũng như nhiều VĐV khác không tránh khỏi gặp phải những chấn thương ở cổ chân, dây chằng, đầu ngối hay vùng sườn, mắt, cổ… Nhưng nhờ có sự quan tâm, động viên chia sẻ kịp thời của các HLV, đặc biệt là cá nhân thầy Thanh nên những giờ phút tập luyện mệt mỏi, hay chấn thương đó đều nhanh chóng trôi qua. Thành tích em gặt hái được hôm nay đều nhờ sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của thầy Thanh và các thầy, cô trong Ban huấn luyện. Em rất biết ơn và luôn ghi nhớ”.
Nhờ có phương pháp đào tạo khoa học, cùng sự dìu dắt, chỉ bảo tận tâm, trách nhiệm của các HLV bộ môn vật nói chung, cá nhân HLV Trịnh Văn Thanh nói riêng mà đến nay lứa trẻ đó giờ đều đã từng bước trưởng thành, nhiều em trở thành VĐV nòng cốt của đội tuyển vật tỉnh. Có thể kể đến như Nguyễn Trọng Nam, Hán Văn Dũng, Nguyễn Đăng Lượng, Vũ Đình Quang… đều từng giành được huy chương ở các cấp độ từ giải trẻ, giải cúp, giải vô địch Quốc gia. Năm 2022, tại giải trẻ toàn quốc, đội tuyển vật tỉnh xếp thứ 3, giải vô địch xếp thứ Nhất. Tại kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX (2022), môn vật đem về cho tỉnh tới 2 HCV, 8 HCB, 5HCĐ; xếp thứ 3 nội dung vật cổ điển, thứ 4 tổng sắp huy chương. Đây là thành tích nổi bật nhất từ trước đến nay của bộ môn vật Bắc Ninh tại các kỳ Đại hội.
Với thành tích xuất sắc trong công tác huấn luyện, từ năm 2016 đến nay, HLV Trịnh Văn Thanh vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch, của UBND tỉnh cùng nhiều lần được Quỹ Khuyến học- khuyến tài Phạm Văn Trà vinh danh, khen thưởng.
Ghi chép của Đức Quý
Ý kiến ()