“Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba”. Ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm đã trở thành “cột mốc” tâm linh trong mỗi người dân nước Việt. Những người dân Việt Nam ở muôn nơi lại thành kính hướng về Đền Hùng (Phú Thọ) nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao dựng nước của các vua Hùng - những vị vua đầu tiên trong lịch sử dựng nước của dân tộc.
Truyền thuyết kể rằng, Tổ Phụ Lạc Long Quân lấy Tổ Mẫu Âu Cơ sinh ra 100 con, 50 con theo Cha xuống biển, 50 con theo Mẹ lên núi, con cả lên ngôi Vua lấy hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang. Nhớ công lao lập nước, vua các triều đại sau đều tưởng nhớ, thường xuyên thờ cúng Hùng Vương. Theo Ngọc phả Hùng Vương chép thời Hồng Đức hậu Lê thì từ thời nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến Hậu Lê các vua và nhân dân địa phương đều đến lễ bái các vua Hùng. Bia Hùng Vương từ khảo tại đền Thượng do Tham tri, Hữu tuần phủ Phú Thọ là Bùi Ngọc Hoàn soạn, cho biết: “Năm Khải Định thứ hai, tức năm 1917 lịch dương, Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin Bộ Lễ ấn định lấy ngày mồng 10 tháng 3 hằng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày giỗ Hùng Vương thứ 18 một ngày, ngày 11 tháng 3, do dân sở tại cúng tế”.
Năm 2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO công nhận. Đó là niềm tự hào và vinh dự lớn không chỉ của người dân miền Đất Tổ mà còn là của cả dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự sáng tạo văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam. Sự minh triết Việt trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là quan niệm “Vạn vật hữu linh - vạn vật hữu hình” và “Cây có cội, nước có nguồn”; “Con người có tổ tông, nòi giống”. Ý nghĩa đặc trưng của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là ý thức nhớ về cội nguồn dân tộc “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”; “Uống nước nhớ nguồn”; sự kết nối cộng đồng hình thành nên tính đại diện cộng đồng sâu sắc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có không gian văn hóa rộng rãi, trải dài khắp cả nước, từ Bắc vào Nam; gần như ở khắp các tỉnh thành, nơi nào có người Việt sinh sống nơi đó có thờ cúng Hùng Vương gắn với thờ cúng tổ tiên trong gia đình, dòng họ, làng xã. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có không gian văn hóa rộng, lớn, không có biên giới; không chỉ ở trong nước mà còn ở cả nước ngoài, nơi có cộng đồng người Việt sinh sống, tạo triết lý nhân văn sâu sắc, tạo nên động lực tinh thần của dân tộc Việt Nam.

Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong tại đền Giếng, Đền Hùng, Phú Thọ, ngày 19-9-1954. Ảnh: Tư liệu.
Không gian văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mà nổi bật là Đền Hùng, di tích quốc gia đặc biệt, nơi đất thiêng nghĩa tình, nơi thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lâu đời nhất, quy mô nhất trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Theo dòng chảy của thời gian và ký ức, trải qua bao biến cố, thăng trầm, di sản vẫn trường tồn và phát triển. Đó là sự kết tinh và tỏa sáng của văn hóa Lạc Việt - văn minh lúa nước - văn minh sông Hồng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới, từng 2 lần đến thăm Đền Hùng. Vào tháng 9-1954, tại Đền Hùng, Bác gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ Đại đoàn quân Tiên phong, là Đại đoàn chủ lực được thành lập đầu tiên của quân đội ta, đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Bác căn dặn và nhắc nhở bộ đội phải thường xuyên học tập, rèn luyện đạo đức, giữ nghiêm kỉ luật, thực hiện tốt chính sách dân vận, giữ vững lập trường giai cấp…Người tổng kết trong câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời dạy của Bác còn là tổng kết khoa học về quy luật tồn tại và phát triển của lịch sử dân tộc: Dựng nước phải đi liền với giữ nước. Điều đó có tác dụng giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức dân tộc, cội nguồn và tinh thần đại đoàn kết, nguồn sức mạnh to lớn chi phối toàn bộ quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, là động lực cổ vũ lớn lao tinh thần đoàn kết của nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Kể từ sau thời đại Hùng Vương, dân tộc ta trải qua nhiều giai đoạn khác nhau trong lịch sử với nhiều thăng trầm, biến thiên. Các triều đại phong kiến thay phiên nhau thịnh rồi suy, suy rồi thịnh. Nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời đại nào thì dân tộc ta vẫn là dân tộc anh hùng, bất khuất với ý thức độc lập, tự chủ mạnh mẽ. Thực tế dựng nước và giữ nước từ thời Hùng Vương đến nay đều khẳng định tính đúng đắn của triết lý “lấy dân làm gốc” và “gốc có vững thì cây mới xanh tươi”. Đến thời đại Hồ Chí Minh, triết lý ấy được chú trọng thực hiện nhuần nhuyễn, triệt để hơn bao giờ hết.
Mùa thu năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn thể nhân dân Việt Nam làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, đập tan xiềng xích của chế độ thực dân, phong kiến, giành lại độc lập dân tộc. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước quốc dân đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Bản Tuyên ngôn độc lập là lời tuyên bố đanh thép với toàn thể thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân với mục tiêu cao cả là giữ vững độc lập dân tộc và bảo đảm quyền tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Người dân nô nức trẩy hội đền Hùng.
Bài học về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết của các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng để xây nền dân chủ là yếu tố then chốt làm nên thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tiếp tục được vận dụng nhuần nhuyễn để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử khác nhau. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, các tầng lớp nhân dân, các dân tộc trong đất nước Việt Nam đoàn kết một lòng chung tay xây dựng và từng bước củng cố hệ thống chính quyền vững mạnh từ Trung ương đến địa phương, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, làm tốt chức năng quản lý xã hội, huy động sức mạnh đoàn kết của nhân dân thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ của cách mạng nước ta qua các thời kỳ: Anh dũng, kiên cường qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược để bảo vệ sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ đất nước, giữ vững độc lập dân tộc; kiên trì, sáng tạo trong học tập, lao động, sản xuất để xây dựng đất nước ngày càng phát triển.
Cùng với các địa phương trong cả nước, 80 năm qua Bắc Ninh tích cực xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền để xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát huy sức mạnh khối đoàn kết của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, từ khi tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Bắc Ninh phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, cần cù, sáng tạo lao động, sản xuất, góp phần tích cực vào công cuộc CNH, HĐH. Kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững. An sinh xã hội được đảm bảo, mức sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Chính quyền vì nhân dân đã thể hiện ở các chính sách chăm lo đời sống nhân dân, hướng đến mục tiêu làm cho dân giàu, nước mạnh, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh như: Hỗ trợ phát triển nông nghiệp và hạ tầng nông thôn; Hỗ trợ đào tạo nghề cho công nhân; Thực hiện chương trình Sữa học đường; Hỗ trợ Bảo hiểm y tế cho các hộ cận nghèo, người cao tuổi; Trợ cấp hằng tháng cho người cao tuổi, đảng viên được tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng trở lên; Xây nhà ở công nhân, nhà ở xã hội; Hỗ trợ điện chiếu sáng nông thôn... Một số chính sách đi trước và thực hiện ở mức cao hơn so với quy định của Trung ương.
Năm 2025 này ghi dấu 80 năm ngày thành lập nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng là năm diễn ra sự kiện chính trị trọng đại khi cả nước đang quyết tâm thực hiện tinh gọn bộ máy chính quyền để nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Đó là một việc làm khó khăn nhưng hết sức cần thiết trong quá trình giữ nước để đất nước ta phát triển thịnh vượng, bước vào kỷ nguyên vươn mình, đủ thế và lực sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Bác Hồ kính yêu lúc sinh thời. Tự hào là con Lạc cháu Hồng, chúng ta những con dân Việt Nam hãy góp sức mình để gìn giữ, phát triển non sông, đất nước ngày càng tươi đẹp, làm nên đất nước muôn đời.
Vân Giang
Ý kiến ()