Nửa thế kỷ trôi qua sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước toàn thắng, thế nhưng, trong ký ức của các cựu chiến binh (CCB) trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, những trận đánh ác liệt ở các cửa ngõ tiến vào Sài Gòn ngày ấy vẫn vẹn nguyên, sâu sắc.
Những câu chuyện thời chiến, tinh thần đấu tranh sục sôi khí thế, niềm hân hoan chứng kiến sự khuất phục của kẻ thù và niềm vui của nhân dân trong ngày giải phóng… được các cựu chiến binh, những người đã trực tiếp tham gia làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 kể lại một cách sống động, như thể mọi việc vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Giờ đây, nhiều CCB tuổi đã cao nhưng vẫn minh mẫn, giữ trọn vẹn tinh thần kiên trung của người lính Cụ Hồ, là những tấm gương sáng về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong công việc, cuộc sống hàng ngày.
Bài 1: Mở đường tiến về Sài Gòn
Chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30-4-1975 đã đánh dấu bước ngoặt trọng đại, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Để có được chiến thắng này, trước đó đã có nhiều trận đánh quan trọng tạo tiền đề cho chiến dịch thần tốc. Với bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh của lòng yêu nước và khát vọng hòa bình, thống nhất, những chiến sĩ năm ấy quyết vượt qua mọi trở ngại, hiểm nguy để giành thắng lợi cuối cùng cho dù có phải hy sinh, mất mát…
Đạp bằng chướng ngại giải phóng sân bay Tân Sơn Nhất
Trong câu chuyện kể, CCB Hoàng Công Tỏ sinh năm 1946 (xã Đức Long, thị xã Quế Võ), nguyên Phó Trung đoàn trưởng, Trung đoàn 4 Pháo binh nhiều lần ngừng lời, gương mặt ông thoáng nét buồn phảng phất… 50 năm qua, mỗi khi đất nước hoan ca kỷ niệm ngày chiến thắng, Bắc Nam sum họp, cũng là lúc CCB Hoàng Công Tỏ tri ân đến những người đồng đội, đặc biệt là liệt sỹ Nguyễn Minh Sơn (Thái Bình). Với ông, khoảnh khắc những người đồng đội hy sinh trong chiến dịch Bắc Kon Tum và trận đánh giải phóng sân bay Tân Sơn Nhất góp phần làm nên chiến thắng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 là một ký ức tự hào và bi hùng mà cả cuộc đời này ông không bao giờ quên được.
Tham gia công tác tại địa phương từ năm 1964-1968, năm 1969, ông nhập ngũ vào chiến trường Tây Nguyên và công tác ở phòng cơ yếu mặt trận; năm 1971 là chính trị viên phó Đại đội 2, Tiểu đoàn 45, Trung đoàn 40. Tháng 4-1972 tham gia chiến dịch Bắc Kon Tum. Trong một trận chiến, Trung đoàn bị bom đánh, cả Trung đoàn có 108 người thì chỉ còn 25 người, số còn lại bị bắt và hy sinh. “Đến giờ, mỗi lần nhắc lại trận đánh đó, hình ảnh những người đồng đội ngã xuống, bị thương nặng ngay trước mắt mình vẫn khiến tôi không khỏi đau xót”. CCB Hoàng Công Tỏ xúc động.

CCB Hoàng Công Tỏ (mặc quân phục) cùng đồng đội lần giở những kỷ niệm trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975
Tháng 3- 1974, để đáp ứng việc tác chiến hiệp đồng quy mô lớn, Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên quyết định cho Sư đoàn 10 thành lập Trung đoàn pháo binh cơ giới lấy tên là Trung đoàn 4. Bằng cách đánh “Bộ binh mở cửa trực tiếp dưới sự chi viện bằng hoả lực mạnh của pháo binh bắn thẳng”, chỉ trong 1 ngày đêm trận đánh giải phóng Kon Tum giành thắng lợi. Những ngày cuối năm 1974, đầu năm 1975, cả chiến trường khẩn trương chuẩn bị cho chiến dịch “Giải phóng Tây Nguyên”. Ngoài lực lượng chủ lực ở Tây Nguyên, Bộ tăng cường thêm 3 Sư đoàn (F320, F316, F968), 3 Trung đoàn cao xạ, 1 Trung đoàn công binh, 1 Trung đoàn đặc công, 1 Trung đoàn thiết giáp và các đơn vị hậu cần. Địch ở Tây Nguyên vô cùng mỏng, lại bị đánh nghi binh, quân ta đánh không ngừng nghỉ, quên cả việc ăn Tết, tấn công Buôn Mê Thuột, tiêu diệt tất cả các đường trốn chạy của quân thù, giải phóng Tây Nguyên.
Cũng trong thời gian này, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Quân đoàn 3 (ngày 26-3-1975) để chuẩn bị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau khi dừng chân tại Cam Ranh, chuẩn bị vũ khí, lương thực, ngày 13-4, Trung đoàn 4 và Trung đoàn 28, Trung đoàn 7 công binh, Trung đoàn tăng thiết giáp 273 hành quân, tập kết tại Lộc Ninh để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Tại hướng Tây Bắc Sài Gòn, trong trận đánh lịch sử này, Trung đoàn 4 được lệnh thay pháo 122 ly bằng pháo 105 ly, lực lượng pháo binh của Trung đoàn là 1 Tiểu đoàn pháo 105 ly, 1 Tiểu đoàn pháo 85 và Tiểu đoàn pháo 37 làm nhiệm vụ chế áp sân bay Tân Sơn Nhất, không cho máy bay địch cất cánh, cấp tập tấn công mạnh để bộ binh Sư đoàn 10 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Đồng thời, mở một mũi tấn công đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu nguỵ lúc 9 giờ sáng ngày 30-4. 2 khẩu pháo 85 ly của Trung đoàn bắn thẳng theo mũi tấn công, đánh chiếm cổng số 5 của sân bay và Bộ Tổng tham mưu nguỵ. 10 giờ sáng, cờ giải phóng của Sư đoàn đã tung bay trên toà nhà Bộ chỉ huy hành quân của địch và Sân bay Tân Sơn Nhất.
Lúc này, quân địch rất hoang mang lo sợ, chúng tháo chạy toán loạn, nhân dân vui mừng phấn khởi, trong khoảnh khắc CCB Hoàng Công Tỏ dùng pháo binh dẹp dọn lô cốt, hàng rào và các chướng ngại vật do quân dịch lắp đặt, người đồng đội của ông là liệt sỹ Nguyễn Minh Sơn trúng đạn của kẻ thù và hy sinh ngay trước mắt ông. Nén lại đau thương, ông tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, dọn dẹp tàn dư của cuộc chiến, tiến vào sân bay, diệt tất cả các lô cốt của địch.
Niềm tự hào và trọng trách của người lính thông tin
Tròn 50 năm từ những ngày tháng Tư năm 1975 lịch sử, song với CCB Nguyễn Văn Tròn (sinh năm 1950, hiện ở thôn Đông Sơn, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du), những ngày tháng ấy là một bản hùng ca không bao giờ phai trong ký ức. Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chứng kiến sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là niềm tự hào, là dấu ấn sâu đậm nhất trong cuộc đời người lính như ông Tròn.
Lần giở những kỷ vật được lưu giữ cẩn thận, ông Tròn nhớ lại, sau 5 năm nhập ngũ, chiến đấu ở nhiều chiến trường khác nhau năm 1972, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, ông được điều động về công tác tại E2, Tình báo miền. Đầu năm 1973, ông lại được cấp trên tín nhiệm điều động về Phòng Chính trị, Bộ tham mưu miền.

CCB Nguyễn Văn Tròn giới thiệu với thế hệ trẻ những kỷ vật trong quân ngũ cách đây trong nửa thế kỷ
Tháng 2 năm 1975, khi chiến dịch Tây Nguyên giành thắng lợi vang dội, khí thế cách mạng càng lên cao, ông Tròn nhận được lệnh điều động đi nhận nhiệm vụ đặc biệt tại Bộ Tư lệnh chỉ huy tiền phương đóng tại Tây Ninh- Giàu Tiếng để chuẩn bị cho chiến dịch cuối cùng, chiến dịch mang tên Bác Hồ kính yêu. Cả đơn vị rộn ràng khí thế. Ai nấy đều ý thức được tầm quan trọng của trận chiến này, một trận chiến mang tính quyết định vận mệnh của dân tộc. Tại đây, ông Tròn được nhận nhiệm vụ làm liên lạc cho các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư lệnh chỉ huy tiền phương như Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tá Trần Văn Danh (Ba Trần). Trao đổi với chúng tôi, ông Tròn chia sẻ: Tôi nhớ như in những ngày phục vụ các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư lệnh miền. Trong bom đạn dội xuống như mưa, tiếng súng nổ chát chúa; nhưng với tinh thần quả cảm, mưu trí, tôi cùng các đồng đội đã hoàn thành 100% những lần đưa công văn, điện mật, tối mật từ Bộ Tư lệnh miền đến các đơn vị, giúp quân ta từng bước đánh tan các cứ điểm của địch, mở toang cánh cửa tiến về Sài Gòn.
Ngưng lại vài giây để nén sự xúc động, ngăn những giọt nước mắt trực rơi, ông Tròn nghẹn ngào: “Ngày 30 tháng 4 năm 1975, một ngày mà cả tôi và dân tộc Việt Nam không bao giờ quên. Khi chiếc xe tăng của quân ta húc đổ cổng Dinh Độc Lập, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh, tất cả chúng tôi vỡ òa trong niềm vui sướng tột cùng. Tiếng hô "Giải phóng rồi!" vang vọng khắp Sài Gòn. Tôi cùng các đồng đội ôm nhau ở Bộ Tư lệnh chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh khi nghe tin tổng thống Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên đài phát thanh. Nước mắt của niềm vui chiến thắng, kết thúc chiến tranh lăn dài trên khuôn mặt sạm nắng. Bao nhiêu hy sinh, mất mát, bao nhiêu năm tháng chiến đấu gian khổ cuối cùng đã được đền đáp bằng ngày toàn thắng.
Chứng kiến khoảnh khắc lịch sử ấy, trong những chiến sỹ giải phóng như ông Tròn trào dâng bao cảm xúc lẫn lộn. Đó là niềm vui chiến thắng, là sự tự hào về dân tộc, về quân đội anh hùng. Nhưng sâu thẳm trong tim, hẳn ông Tròn không thể nào quên những đồng đội đã ngã xuống, những người đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Chiến thắng này được đánh đổi bằng máu và nước mắt của biết bao người con ưu tú của dân tộc.
Nhiều năm sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, CCB Nguyễn Văn Tròn và CCB Hoàng Công Tỏ cùng các đồng đội năm xưa vẫn gặp gỡ, ôn lại kỷ niệm và tổ chức các chuyến về thăm lại chiến trường xưa. Với những người cựu binh ấy, những trận đánh thâu đêm, thi gan với kẻ thù; những bữa ăn chẳng đủ no, những bát cơm độn ngô sắn, những mảnh vá chằng chịt trên bộ đồ chiến đấu, máu và nước mắt của đồng đội…tất cả đều là những mảnh ghép nhỏ làm nên một chiến công lớn, đầy tự hào.
Bài 2: Vang lên khúc ca khải hoàn
Ghi chép của Ngọc Hoa
Ý kiến ()