Đã 50 năm trôi qua, song ký ức về những ngày máu lửa trên các chiến trường miền Nam luôn còn mãi trong tâm khảm của mỗi người lính. Những cựu binh từng trải qua nhiều trận đánh, tham gia nhiều chiến dịch. Mỗi trận đánh là một thử thách về lòng dũng cảm, sự ác liệt, hy sinh, mất mát. Song cũng là những kỷ niệm đáng nhớ nhất của cuộc đời người lính, về một thời trai trẻ được hoà mình vào dòng chảy của lịch sử, được góp một phần nhỏ bé cùng dân tộc làm nên đại thắng mùa Xuân 1975.
“Tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù”
50 năm trước, cựu chiến binh Nguyễn Trọng Căn (sinh năm 1955 tại xã Đông Thọ, huyện Yên Phong), chiến sỹ Đại đội 1, Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 116, Sư đoàn Đặc công 305 miền Đông Nam Bộ là một trong những chiến sỹ có mặt trong đoàn xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập, chứng kiến thời khắc lịch sử khi lá cờ giải phóng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Cánh quân của ông Căn gồm một Tiểu đoàn pháo 37 ly và Đại đội pháo 105 ly, có nhiệm vụ tiến đánh từ phía Tây Nam vào Sài Gòn. Sau khi hòa bình lập lại, ông Căn làm nhiệm vụ quân quản ở Thủ Đức. Đến năm 1981, ông xuất ngũ về quê hương Bắc Ninh sinh sống và ít có dịp quay trở lại Thành phố Hồ Chí Minh.
Những ngày tháng 4 lịch sử này, trong Đoàn Đại biểu chiến sĩ từng trực tiếp tham gia làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 tỉnh Bắc Ninh được trở lại Hội trường Thống Nhất cùng nhiều đồng đội, ông Nguyễn Trọng Căn trào dâng cảm xúc, bồi hồi chia sẻ: "Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị của tôi được lệnh đánh chiếm cầu xa lộ Đồng Nai và giữ bằng được cây cầu trọng yếu này để đại quân vào giải phóng Sài Gòn. Chấp hành mệnh lệnh, rạng sáng 27-4-1975, Đại đội 1 chia làm hai mũi áp sát cầu và nổ súng tiến công. Cùng lúc, các đơn vị khác của Trung đoàn đặc công 116 cũng phát động tấn công.

CCB Nguyễn Trọng Căn (thứ 3 từ trái sang) cùng các đồng đội thăm lại thành phố Hồ Chí Minh sau 50 năm giải phóng
Sau một thời gian chiến đấu, quân ta đã chiếm giữ được một đầu cầu Đồng Nai. Tuy nhiên, do sau đó địch tập trung hỏa lực chiếm lại cầu nên Trung đoàn 116 phải tạm rút quân. Sáng 29-4, Trung đoàn 116 bắt đầu đánh chiếm lại đầu cầu Đồng Nai và phía Nam Tổng kho Long Bình. Sau hai giờ tấn công, quân ta đã chiếm được hai mục tiêu trên, đón đoàn xe tăng của Lữ đoàn 203 (Quân đoàn 2) tiến thẳng vào nội đô Sài Gòn".
Ông Căn nhớ lại, dọc đường hành quân vào nội đô, bộ đội ta ào ào tiến lên như vũ bão, vừa đi vừa hát vang “Tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù”. Trước khí thế như chẻ tre của quân ta, lính ngụy sợ hãi cởi bỏ quân phục, vứt vũ khí để tháo chạy. Dọc hai bên đường, súng, đạn của địch vứt ngổn ngang. Đoàn xe tăng của quân giải phóng gần như thuận lợi tiến đến Dinh Độc Lập.
Một số tên địch cố nổ súng từ nóc các nhà cao tầng nhưng bị Tự vệ thành nhanh chóng tiêu diệt. Đến trưa 30-4-1975, khi lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân ta tung bay trên nóc Dinh Độc Lập và Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, tất cả chiến sỹ đều vỡ òa trong hạnh phúc.
Về thăm lại thành phố Hồ Chí Minh, thăm chiến trường xưa, ông Căn không khỏi xúc động khi Thành phố hôm nay vươn mình trở thành một đô thị kiểu mẫu hiện đại. Con đường Lê Duẩn năm xưa, nơi đoàn xe tăng của Lữ đoàn 203 từng lăn bánh, nay trở thành tuyến đường lớn ở khu trung tâm sầm uất, nhộn nhịp. Dinh Độc Lập, nơi lá cờ giải phóng tung bay báo hiệu hòa bình, nay đã trở thành một điểm tham quan du lịch nổi tiếng, thu hút du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nhiều bạn trẻ mặc trang phục truyền thống của đất nước đến tham quan, khi thấy đoàn cựu chiến binh Bắc Ninh liền lễ phép chào hỏi; háo hức muốn nghe kể lại những tháng ngày chiến đấu vinh quang năm xưa. Việc thế hệ tương lai của đất nước luôn ghi nhớ, trân trọng sự hy sinh của cha anh để giành lại độc lập chính là niềm mong mỏi lớn nhất của bao thế hệ cựu chiến binh.
Nhớ mãi nhiệm vụ cuối cùng trong chiến dịch Hồ Chí Minh
Gặp bác Phạm Ngọc Sơn trong một chiều tháng 4 tại tư gia trên con phố Kim Lân (phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh), bác Sơn hào hứng khoe với chúng tôi bức ảnh quý giá mới được một người bạn sau rất nhiều năm không gặp gửi tặng. Trong bức ảnh là bác Sơn cùng Thượng tá Nguyễn Văn Hàm, Cục phó Cục CT/QĐ 2 và Trung tá Nguyễn Hân, Trưởng phòng bảo vệ đang làm nhiệm vụ ghi lại danh sách nội các chính quyền Sài Gòn vào lúc 12h30 phút ngày 30-4-1975 tại Dinh Độc Lập (thành phố Hồ Chí Minh). Đến đây, những ký ức về một thời hoa lửa lại ùa về trong tâm trí của người cựu binh dành cả cuộc đời của mình chiến đấu và phục vụ trong quân ngũ.
Năm 1962, khi vừa tròn 17 tuổi, chàng thanh niên Phạm Ngọc Sơn hăng hái xung phong lên đường nhập ngũ và từng được học tập, công tác tại trường Sĩ quan Lục quân 1, Sư đoàn 324 và Đại đội Công binh. Năm 1966, ông vào chiến trường Quảng Trị chiến đấu, đảm nhận chức vụ Đại đội trưởng và tham gia chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Năm 1971 khi tham gia trận đánh Đường 9 - Nam Lào rực lửa với vai trò Chủ nhiệm trinh sát Trung đoàn, ông bị thương khi làm nhiệm vụ và được đưa về điều dưỡng tại Quân khu 4. Sau khi hồi phục, ông được cử đi học tại trường Trung- Cao cấp quân đội (nay là Học viện Quốc phòng Việt Nam), rồi tham gia các trận đánh giải phóng Huế, Đà Nẵng và đặc biệt là tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

CCB Phạm Ngọc Sơn bên bức ảnh chụp ông cùng đồng đội ghi danh nội các chính quyền Sài Gòn trưa ngày 30-4-1975 tại Dinh Độc lập
CCB Phạm Ngọc Sơn nhớ lại: “5 giờ sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975, Sư đoàn 304 tiến công địch khu vực ngã ba Nước Trong, mở đường cho binh đoàn thọc sâu quân đoàn tiến công, đồng thời Tư lệnh chỉ thị trinh sát tìm đường vòng tránh. Đến 9 giờ, Sư đoàn 304 đánh chiếm ngã ba Nước Trong. Tư lệnh Nguyễn Hữu An ra lệnh binh đoàn thọc sâu gồm: Lữ đoàn xe tăng 203, bộ binh E66/304, Tiểu đoàn pháo binh lữ đoàn 164, Tiểu đoàn pháo cao xạ sư đoàn 673, Tiểu đoàn công binh hỗn hợp Lữ đoàn 219 và một số lực lượng trinh sát, thông tin; giao đồng chí Tất Tài, Lữ đoàn trưởng 203 là Chỉ huy trưởng, đồng chí Bùi Văn Tùng, Chính uỷ Lữ đoàn 203 là Chính uỷ binh đoàn thọc sâu nhanh chóng tiến công về căn cứ Long Bình.
Khoảng hơn 11giờ, sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn 2 tiến vào Sài Gòn, xe chúng tôi qua cầu, lúc này dân chúng đi lại ngược xuôi khá đông, đến ngã tư Hàng Sanh, tiến qua cầu Thị Nghè, rẽ trái đến cổng Thảo Cầm Viên và tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Hơn 12 giờ trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, mọi người nhanh chóng xuống xe, các đồng chí Nguyễn Hữu An, Hoàng Đan, Nguyễn Công Trang và thiếu tướng Nam Long đứng ở giữa dinh Độc Lập chỉ đạo các nhiệm vụ tiếp theo. Tôi được giao trực tiếp chỉ huy vệ binh canh giữ nội các chính quyền Sài Gòn thật nghiêm ngặt.
Tối ngày 30-4, Sở chỉ huy Quân đoàn 2 chuyển ra trường cảnh sát quốc gia Thủ Đức, một bộ phận trong đó có tôi, do đồng chí Thái Cán - Tham mưu phó quân đoàn chỉ huy ở lại canh giữ nội các và chuẩn bị bàn giao. Đến 23 giờ Quân đoàn 2 bàn giao toàn bộ nội các Sài Gòn và Dinh Độc Lập cho đơn vị bạn tiếp quản. Khi nhiệm vụ hoàn thành, tôi và các đồng đội mới được hoà mình vào niềm vui chiến thắng cùng dòng người nô nức đổ về Sài Gòn, đó là cảm giác sung sướng, hân hoan mà chỉ nhớ đến thôi cũng đủ khiến trái tim rộn ràng và hạnh phúc vô cùng.
Vĩ thanh!
Đã nửa thế kỷ trôi qua, nhưng những ký ức về Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí những CCB như ông Tròn, ông Tỏ, ông Căn, ông Sơn và các đồng đội. Đó là những ngày tháng hào hùng, là minh chứng cho sức mạnh đoàn kết, ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam. Kỷ niệm về tháng Tư năm 1975 sẽ mãi mãi là một phần không thể thiếu trong lịch sử dân tộc, là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn cho các thế hệ mai sau. Giờ đây, gần 5.000 sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ là những người con Bắc Ninh đã trực tiếp tham gia làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 dẫu người còn, người mất. Song hầu hết những người lính năm xưa ấy vẫn luôn là những tấm gương sáng về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong công việc, cuộc sống hàng ngày; xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội cụ Hồ”- danh hiệu cao quý mà nhân dân ta dành tặng, những người con từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và phục vụ. Những CCB ấy mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ thanh thiếu niên sau này làm động lực để nỗ lực học tập, rèn luyện, giúp cho dân giàu, nước mạnh, đưa đất nước vươn mình phát triển trong kỷ nguyên mới.
Ghi chép của Ngọc Hoa
Ý kiến ()