Những ngày tháng Tư lịch sử, khi cả nước hân hoan kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với những cựu chiến binh trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Ký ức hào hùng về những ngày tháng mưa bom, bão đạn vẫn in đậm trong tâm trí những người lính “Bộ đội Cụ Hồ”.
Ném bom Hạm đội 7 ngày ấy…

Anh hùng LLVT nhân dân Lê Xuân Dỵ chia sẻ về bức ảnh với người đồng đội Nguyễn Văn Bẩy B trong trận đánh Hạm đội 7 năm xưa.
Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng Anh hùng LLVT nhân dân Lê Xuân Dỵ (sinh năm 1938) ở khu phố Phù Lộc, phường Phù Chẩn, thành phố Từ Sơn vẫn nhanh nhẹn, hừng hực khí thế khi kể về những ngày tháng bay lượn trên bầu trời. Sau gần 6 năm tham gia du kích tại địa phương, năm 1959, ông nhập ngũ, được biên chế vào phân đội pháo cối 120mm thuộc Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Ông được cấp trên cho đi bồi dưỡng quân sự, học làm khẩu đội trưởng.
Ông Dỵ kể: “Học xong, tôi về đơn vị, nhưng đại đội lại điều xuống làm anh nuôi. Khi giao nhiệm vụ, chính trị viên đại đội hỏi tôi có thể làm nuôi quân cả đời được không. Tôi nói: “Tôi xung phong vào quân ngũ là để chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc. Được cấp trên giao nhiệm vụ nào cũng phải nỗ lực hoàn thành, gặp khó khăn cũng phải cố gắng vượt qua. Có như vậy mới cùng đồng đội đánh đuổi quân thù”. Đến tháng 11 năm 1961, tôi được chọn đi học lái máy bay chiến đấu tại Liên Xô (cũ). Lúc ấy, tôi mới thấu hiểu vì sao cấp trên giao việc làm “anh nuôi” chỉ là thử thách”.
Sau 3 năm miệt mài rèn luyện, tiếp nhận tri thức ở Liên Xô, ông Dỵ trở về phục vụ cho Trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam là 921, sau đó chuyển sang Trung đoàn 923 không quân. Quá trình chiến đấu, phi công Lê Xuân Dỵ hai lần trực tiếp bắn rơi máy bay Mỹ và hàng chục lần xuất kích yểm trợ cho đồng đội bắn rơi máy bay địch. Tiêu biểu là trận ném bom Hạm đội 7 ngày 19-4-1972 tại vùng biển Quảng Bình.
Để ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam, cùng với dùng không quân tăng cường phá hoại các tuyến đường, Mỹ dùng tàu chiến của Hạm đội 7 đi dọc bờ biển bắn pháo vào đất liền, gây nhiều khó khăn cho ta khi vận chuyển vũ khí, lương thực vào chiến trường. Với quyết tâm đẩy tàu chiến Mỹ xa bờ, Quân chủng Phòng không - Không quân, giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 923 không quân, triển khai phương án và luyện tập, bí mật bất ngờ dùng MIG - 17 đánh tàu chiến Mỹ.
Ông Dỵ bồi hồi: “Vào lúc 16 giờ 5 phút, ngày 19-4-1972, tôi và phi công Nguyễn Văn Bảy B được lệnh xuất kích tấn công chiến hạm của Hải quân Mỹ. Tôi bay thấp dưới núi nhằm hướng đông ra biển theo khe núi với độ cao 200 mét, tốc độ 800km/giờ. 16 giờ 13 phút, phát hiện được tàu địch, tôi hạ thấp độ cao xuống còn 50 m, tốc độ 800km/giờ, cắt 2 quả bom loại 250 kg theo kỹ thuật ném “lia lịa” trúng giữa thân tàu. Sau khi ném bom tôi bay lên 500m để tránh áp lực của bom, rồi hạ xuống 200m để tránh ra-đa của Mỹ, bay về hạ cánh an toàn xuống nơi xuất kích. Trong trận đánh, anh Nguyễn Văn Bảy B cũng hoàn thành nhiệm vụ ném bom vào tàu địch, 2 báy may hạ cánh về sân bay lúc 16 giờ 22 phút. Trận chiến này đã đánh bị thương 2 chiến hạm của Hải quân Mỹ”.
Sau trận đánh, phi công Lê Xuân Dỵ được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Ông cùng biên đội được Thủ tướng Phạm Văn Đồng khen ngợi: “Đây là chiến công hi hữu và xuất sắc, đã đánh trúng mục tiêu mà Mỹ từng mệnh danh là “bất khả xâm phạm”… Chiến thắng này có ý nghĩa rất quan trọng, làm cho Hải quân Mỹ không dám đưa tàu đến gần bờ biển Quân khu 4 để đánh phá trục giao thông chiến lược.
Sau đó, ông tiếp tục công tác trong quân đội và trải qua nhiều cương vị khác nhau: Phó Sư đoàn trưởng, rồi Cục trưởng Cục Thanh tra Không quân thuộc Tổng Thanh tra Bộ Quốc phòng. Năm 1998, ông nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Hơn 40 năm công tác, gần 30 năm tham gia hoạt động bay, Đại tá Lê Xuân Dỵ thực hiện hàng nghìn chuyến bay xuất kích chiến đấu, bay huấn luyện an toàn, đào tạo được nhiều thế hệ phi công, giáo viên, chỉ huy bay trên máy bay MIG-17, MIG-21, bản thân ông bay được hơn 1.000 giờ bay an toàn. Ngày 10-8-2015, ông vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Tự hào cắm lá cờ Giải phóng

Cựu chiến binh Đỗ Viết Thành kể về trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30-4-1975.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm đáng nhớ nhất và không thể nào quên đối với cựu chiến binh Đỗ Viết Thành, sinh năm 1953 ở khu khố Thịnh Lang, phường Đình Bảng (thành phố Từ Sơn) là trận đánh vào Sân bay Tân Sơn Nhất. Đó là ngày nhiều cảm xúc nhất của ông và đồng đội Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3).
Ông Thành nhớ lại: Ngày 7-4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký bức điện khẩn với nội dung “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Bức điện ấy là mệnh lệnh cho cán bộ, chiến sỹ quân đội ta hành quân ngày đêm tiến thẳng vào giải phóng Sài Gòn. Thời khắc lịch sử đã tới, các đơn vị của Trung đoàn 24 tạo lập thế trận thọc sâu vững chắc, sẵn sàng đột kích đánh chiếm mục tiêu đảm nhiệm. Trên đường hành quân, tiếng pháo nổ vang trời, tiếng súng giòn giã, tiếng “rôm rốp” của bánh xích xe tăng Quân Giải phóng cán nát những chiếc mũ sắt, bình toong... của quân địch nằm vương vãi trên đường tiến quân vào Sài Gòn.
Chiều 28-4, đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Trung đội trưởng Đội 1, Đại đội 7 giao nhiệm vụ cho tôi cầm lá cờ Giải phóng đi cùng xe K63 gồm 12 người dẫn đầu đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất. 5 giờ sáng 29-4, tất cả 5 cánh quân đồng loạt tấn công vào giải phóng Sài Gòn. Sáng 30-4, chúng tôi cùng xe tăng đánh chiếm ngã tư Bảy Hiền thì gặp phải sự chống trả quyết liệt của Ngụy quyền Sài Gòn. Tại đây, địch tổ chức phòng thủ vững chắc, quân đội Ngụy quyền bố trí dày đặc được trang bị nhiều phương tiện, vũ khí hiện đại. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra căng thẳng, quyết liệt. Vừa khẩn trương đánh vào lòng địch, chúng tôi vừa phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương cùng nhân dân nổi dậy, tạo nên sức mạnh tổng hợp, bao vây khép chặt, tiêu hao lực lượng địch.
Bằng chiến thuật “Nội ứng ngoại hợp”, “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, chỉ sau một giờ chiến đấu giằng co, Trung đoàn 24 đã chiếm được ngã tư này. Với tinh thần “1 ngày bằng 20 năm”, xe K63 băng băng tiến về Lăng Cha Cả áp sát sân bay. 11 giờ 30 phút ngày 30-4, xe chúng tôi lao thẳng vào cổng sân bay Tân Sơn Nhất. Nhảy xuống xe, vừa cầm súng AK chĩa thẳng vào đội quân Ngụy quyền Sài Gòn, tôi vừa hô “Chúng mày hàng thì sống, chống thì chết”. Nghe vậy, quân địch hốt hoảng buông súng, giơ tay đầu hàng. Sau đó, tôi chạy một mạch lên nóc nhà Bộ Chỉ huy không quân địch thực hiện nhiệm vụ cắm lá cờ Giải phóng.
Chiến tranh đã lùi xa, câu chuyện của Anh hùng LLVT nhân dân Lê Xuân Dỵ và cựu chiến binh Đỗ Viết Thành về những thời khắc lịch sử, thể hiện sâu sắc, khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Đó là biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường, anh dũng trung kiên của dân tộc ta, bồi đắp truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, sống có lý tưởng, tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Văn Phong-Mai Phương
(Ghi theo lời kể của các CCB)
Ý kiến ()