Đọc văn bia và một số thư tịch cổ ở các làng ở Bắc Ninh, chúng tôi thấy có nhiều chức danh và danh xưng mà ngày nay không còn được dùng. Để góp vui với bạn đọc nhân ngày Tết Ất Tỵ, tôi xin kể chút ít về những chức danh, danh xưng đó.
Đọc văn bia và một số thư tịch cổ ở các làng ở Bắc Ninh, chúng tôi thấy có nhiều chức danh và danh xưng mà ngày nay không còn được dùng. Để góp vui với bạn đọc nhân ngày Tết Ất Tỵ, tôi xin kể chút ít về những chức danh, danh xưng đó.
Một số chức danh của cấp chính quyền làng xã ở Bắc Ninh thời cổ
- Các chức danh: Xã quan, Xã chính, Xã trưởng, Lý trưởng, Xã giám, Xã tư, Xã sử.
Theo sách “Lịch triều hiến chương loại chí- Quan chức chí” của Phan Huy Chú, chức Xã quan có từ thời Trần và tồn tại đến năm 1476. Đó là chức vụ của người đứng đầu một xã (tương đương với một làng lớn hoặc 2-3 làng nhỏ). Đến năm 1476, dưới triều vua Lê Thánh Tông (1460-1497), chức danh Xã quan được đổi thành Xã trưởng. Chức danh Xã trưởng tồn tại đến thời Minh Mệnh thì đổi là Lý trưởng. Chức danh Lý trưởng tồn tại đến Cách mạng tháng Tám năm 1945. Lý trưởng được sử dụng con dấu, có nhiệm kỳ là 1 năm, được dân của xã đó bầu và được Tri huyện cấp bằng. Nếu chức Xã quan của thời Trần được hưởng lương do Nhà nước cấp thì chức Xã trưởng của thời Lê, chức Lý trưởng của thời Nguyễn không có lương, nhưng được hưởng một phần phụ thu từ thuế ruộng của làng đó hoặc làng cho sử dụng một số ruộng công của làng.
Nếu vào thời Lê, giúp việc cho Xã trưởng có các chức Xã sử, Xã tư và giám sát công việc của Xã trưởng có chức Xã giám, thì vào thời Nguyễn dưới Lý trưởng có chức Phó lý.
Giúp việc cho Lý trưởng có: Chưởng bạ, Thư ký, Thủ quỹ. Chưởng bạ làm các công việc thuộc về ruộng đất, ao hồ, đồi gò, thuộc địa giới làng đó. Có làng, Chưởng bạ kiêm cả việc ghi chép việc sinh tử, hôn nhân giá thú của làng, nên chức này có tên là Chưởng bạ - Hộ lại. Chức Chưởng bạ (hoặc Chưởng bạ - Hộ lại) của làng được sử dụng con dấu riêng.
Giúp việc cho Lý trưởng còn có chức Thư ký, Thủ quỹ. Hai chức vụ này không có con dấu.
Làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự trị an của làng có lực lượng tuần phiên. Tuần phiên được chọn từ những trai đinh khỏe mạnh trong làng, không có lý lịch bất hảo, có nhiệm vụ ngày đêm đi tuần tra trong phạm vi “nội hương ấp, ngoại đồng điền” của làng. Vào các tháng “củ mật” (tháng 11, 12 âm lịch), đêm đêm phải cắt phiên nhau ngủ tập trung tại điếm canh của làng để canh phòng và chống trộm cướp. Tuần phiên phải tự trang bị các loại vũ khí thô sơ (gươm trường, mã tấu, thương, đao, côn, gậy bẩy) khi làm nhiệm vụ và tự học võ để đối phó với bọn trộm cướp. Thù lao cho tuần phiên được lấy từ lúa “sương túc” của các hộ dân trong làng. Tuỳ tình hình hoa lợi của làng mà làng quy định mỗi sào phải nộp mấy lượm lúa, mấy củ khoai cho tuần phiên. Nếu trong làng có vụ trộm hoặc vụ phá hoại hoa màu, giết hại trâu bò, gia súc mà không tìm ra thủ phạm thì người trực đêm đó phải đền cho gia chủ bị hại. Đội Tuần phiên của làng được đặt dưới sự chỉ huy của một người. Đó là Trương tuần. Quyền lợi và nghĩa vụ của Trương tuần cùng giống như các tuần phiên khác.
Vào những năm 20 của thế kỷ XX, các làng ở Bắc Ninh còn có chức danh Chánh Hương hội (thường gọi tắt là Chánh hội). Đó là chức danh của người đứng đầu Hội đồng Kỳ mục (có thời kỳ gọi là Hội đồng Kỳ hào) và sau này là Hội đồng tộc biểu. Về danh nghĩa, Hội đồng này được đặt ra là để giám sát công việc của Lý trưởng.
Một số chức danh của các đoàn thể ở làng xã Bắc Ninh thời cổ
Ngoài một số chức danh của cấp chính quyền cơ sở, nhiều làng ở Bắc Ninh thời cổ còn xuất hiện một số chức danh của một số đoàn thể. Đó là:
- Cai Đám (có làng gọi là Quan Đám, Ông Đám). Đó là chức danh của một người đàn ông chính cư trong làng, làm nhiệm vụ thờ Thành hoàng ở đình trong thời hạn một năm. Chức đó do dân làng bầu. Để được bầu, ứng viên phải có đủ các điều kiện: vợ chồng song toàn, con cháu đề huề, không vi phạm pháp luật và quy ước của làng, có gia sản, được dân làng quý mến. Trong suốt thời gian làm chức Cai Đám, người đó phải ngủ đêm tại đình làng và không được tiếp xúc với các vật uế tạp hoặc không tinh khiết (như phân tro, bùn đất); ra khỏi nhà phải đi guốc, đội nón (dù trời không mưa nắng), trong năm đó, vợ ông ta không được có chửa; không được to tiếng, cãi nhau với ai,… Về quyền lợi, Cai Đám được làng cho cày cấy 1 hoặc 2, 3,… mẫu ruộng-tuỳ theo khả năng của làng. Về nghĩa vụ, Ông Đám và gia đình phải biện các lễ cúng Thành hoàng trong năm (gồm: xôi, gà, trầu, rượu, hương, nến, oản quả,…), phải nuôi một con lợn to theo quy định của làng với điều kiện chăm sóc rất đặc biệt, đến trước ngày tế Thành hoàng mang ra đình “hoá” để tế Thánh.
Nếu Cai Đám vi phạm những quy định của làng thì sẽ bị bãi chức và phải hoàn trả lại những gì mà làng đã dành cho khi đương chức.
Trưởng tràng: chức danh người đứng đầu các môn sinh của một thầy đồ, không có quyền lợi vật chất. Người đó được những người đồng học cử ra để tập hợp anh em làm những việc tỏ sự tri ân đối với thầy, như: khi thầy còn sống, tập hợp anh em đến lễ tết thầy, khi thầy qua đời, cùng gia đình thầy lo đám tang, đọc văn tế, và sau đó, hằng năm cúng giỗ thầy. Có vị Trưởng tràng còn vận động anh em làm từ đường cho thầy, xây mộ thầy, giúp đỡ vợ con thầy về kinh tế, nếu họ gặp khó khăn,…
Trùm trưởng: chức danh người đứng đầu (một cách tự phát) một xóm nhỏ mà ngày xưa thường gọi là “chòm” (chữ “trùm” là do chữ “chòm” đọc chệch ra). Chức này thấy còn xuất hiện trong một số văn bia thời Nguyễn. Ngày nay, trong các họ của đạo Công giáo, cũng có chức Trùm trưởng (có làng gọi là Trùm Cả). Nhưng người có chức vụ này được giáo dân của một họ đạo bầu ra và được cấp có thẩm quyền của đạo Công giáo công nhận, khác với chức Trùm trưởng trong các làng trước đây.
Đương cai: chức danh người đứng đầu một nhóm người có cùng năm sinh nhưng có tháng sinh sớm nhất để thay mặt nhóm giao dịch với các các tổ chức xã hội trong làng. Đọc văn bia ở Bắc Ninh, chúng tôi thấy chức danh Đương cai của các làng tương đối phổ biến vào thời Lê Trung hưng.
Phường trưởng: chức danh người đứng đầu một tổ chức nghề nghiệp của làng, như: phường Bát âm (còn gọi là phường Kèn), phường Chèo, phường Tuồng,… Vị phường trưởng chỉ mất chức khi phường đó giải thể hoặc già yếu, chết.
Hương trưởng: Hương trưởng không phải chức danh mà chỉ là danh xưng của một người đàn ông được dân làng trọng vọng nhờ đức độ của người đó. Không phải làng nào cũng có danh xưng này, mà chỉ thấy xuất hiện ở một số làng lớn vào thời Nguyễn (làng Đình Bảng có cụ Hương Bổng, nhà giàu, là cơ sở Cách mạng).
Tiên chỉ, Thứ chỉ: Trước năm 1945, tại nhiều làng ở Bắc Ninh thấy có danh xưng Tiên chỉ và Thứ chỉ. Tiên chỉ là người đàn ông cao tuổi nhất làng, có danh vọng, có hiểu biết. Thứ chỉ là người được xếp sau Tiên chỉ về tuổi tác, danh vọng,…. Về quyền lợi vật chất, cụ Tiên chỉ bao giờ cũng được ngồi ở vị trí trang trọng nhất trong đình; được hưởng một mình một cỗ ăn và cỗ biếu khi làng có tế lễ. Thứ chỉ thì được hai người (hoặc 4 người) một cỗ, tuỳ theo lệ của làng.
Lão nhiêu, Nhiêu nam, Trung nam bản xã: là những danh xưng dành cho nam giới của các làng vào thời Nguyễn. Lão nhiêu là danh xưng của người đàn ông đã mua nhiêu khi tuổi già. Nhiêu nam là người có chân nhiêu còn ít tuổi (nhiêu là danh xưng của người đàn ông bỏ tiền ra mua để không phải đi phu và tạp dịch). Trung nam bản xã là danh xưng để chỉ những trai tráng của làng khi làm những việc khiêng kiệu, rước,… mỗi khi làng vào hội hoặc sự kiện trọng đại nào đó.
Thiện sĩ, Tri kỳ anh thiện sĩ, Tri phủ sĩ, Tri đốc phủ sĩ, Huyện sĩ, Tổng sĩ, Phủ sĩ,… là các danh xưng trong các nam tín đồ Phật giáo thấy xuất hiện nhiều vào thời Lê Trung hưng. Thiện sĩ: người đàn ông theo Phật giáo; Tri kỳ anh thiện sĩ: người đàn ông theo Phật giáo trên 60 tuổi có danh vọng; Tri phủ sĩ: người có chân trong hội tín đồ Phật giáo hàng phủ; Tri đốc phủ sĩ: người đứng đầu hội tín đồ Phật giáo hàng phủ; Huyện sĩ, Tổng sĩ: người có chân trong hội tín đồ Phật giáo hàng phủ, hàng tổng;
Tri lão vãi, Lão vãi: Tri lão vãi là danh xưng của bà vãi có danh vọng trong Phật giáo; Lão vãi: là danh xưng của bà vãi già.
Mõ: danh xưng chỉ người đàn ông giúp việc cho các chức dịch trong một làng. Mõ là người ngụ cư, không có tài sản, ruộng đất, được làng cho ở nhờ một cái điếm hoang, hoặc lều chợ, hoặc một căn nhà vô chủ nào đó. Công cụ làm việc của Mõ là cái mõ gỗ. Mỗi khi cần thông báo một thông tin, một chính sách nào đó cho dân làng biết, Mõ sẽ dùng cái dùi gỗ gõ vào cái mõ 3 tiếng, rồi mới cất tiếng: “Chiềng làng! Chiềng chạ,…”.
Ngoài ra, trong làng xã ngày xưa, còn có một số chức danh và danh xưng của một số nghề: nghề dạy học, làm thuốc (thầy đồ, thầy lang); của Phật giáo (Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức, Tỷ khưu, Sa di,…); của đạo Công giáo (Tư mệnh, ông Quản, bà Quản,…).
Tìm hiểu các chức danh, danh xưng của làng xã thời cổ, giúp chúng ta có hiểu biết đầy đủ hơn về đời sống văn hoá tinh thần của tổ tiên và thêm yêu quý, trân trọng tất cả những gì cha ông để lại, thêm thắm đậm tình yêu quê hương đất nước.
Nguyễn Quang Khải
Ý kiến ()