Thấm nhuần tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: “Việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm”, phong trào “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” đang được triển khai mạnh mẽ trên địa bàn toàn tỉnh, khẳng định sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị và sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân đối với người có công, người dân có hoàn cảnh khó khăn. Bắc Ninh quyết tâm cán đích mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát đúng vào dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2025), sớm nhất cả nước.
Bài 1: Quyết sách đúng, hành động nhanh
Là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện chính sách an sinh xã hội, Bắc Ninh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người yếu thế và các đối tượng khó khăn, trong đó đặc biệt quan tâm tới vấn đề hỗ trợ về nhà ở. Kết luận số 97-KL/TW ngày 5-10-2024 của Hội nghị Trung ương 10, khóa XIII, trong đó nêu rõ: Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo, đẩy mạnh phong trào thi đua “Chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước” trong năm 2025. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Bắc Ninh nhanh chóng vào cuộc triển khai thực hiện, với những quyết sách đúng, hành động nhanh, kịp thời.
Lãnh đạo thị xã Quế Võ động thổ khởi công xây mới nhà ở cho hộ ông Trương Văn Hải, thôn Phù Lãng, xã Phù Lãng.
Nhiều chính sách hỗ trợ về nhà ở
Xóa nhà tạm, nhà dột nát có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện điều kiện sống cho người dân, nhất là các hộ chính sách, hộ khó khăn, người yếu thế. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong công tác an sinh xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giữ gìn an ninh trật tự, đẩy mạnh phong trào xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đào Quang Khải: Trước đó, mặc dù chưa có chính sách chung về xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người dân, nhưng tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người yếu thế và các đối tượng khó khăn, đặc biệt là hỗ trợ về nhà ở. Thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng và hộ nghèo theo Nghị quyết số 154/2018/NQ-HĐND ngày 6-12-2018 của HĐND tỉnh, toàn tỉnh triển khai hỗ trợ 2.560 hộ, với tổng kinh phí 161,128 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở là 1.048 hộ, tổng kinh phí hỗ trợ là 68,68 tỷ đồng (bao gồm 48,124 tỷ đồng từ ngân sách và 20,556 tỷ đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp); hỗ trợ 1.512 gia đình người có công với cách mạng về nhà ở (bao gồm 1.056 hộ xây mới và 456 hộ sửa chữa), tổng kinh phí hỗ trợ là 92,448 tỷ đồng. Cùng với đó, từ năm 2019 đến nay, Tỉnh Đoàn, Hội LHTN tỉnh vận động, hỗ trợ xây dựng mới 95 “Nhà nhân ái”, 20 “Mái ấm thanh niên”, sửa chữa 316 ngôi nhà cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, tổng trị giá hơn 9 tỷ đồng.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hương Giang trao kinh phí hỗ trợ của tỉnh cho bà Bùi Thị Hường thôn Nghĩa Thắng, xã Đông Cứu (Gia Bình).
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ hỗ trợ nhà ở đến tạo điều kiện tiếp cận vốn vay, trong năm 2024, Sở Xây dựng Bắc Ninh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban MTTQ tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện hỗ trợ xây mới nhà cho hơn 22 hộ nghèo với số tiền khoảng hơn 1,25 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu về vốn để sản xuất, kinh doanh được vay vốn.
“Góp nhỏ thành lớn”, từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh nỗ lực và hoàn thành hỗ trợ về nhà ở theo chương trình mục tiêu Quốc gia cho 7.926 gia đình, tổng kinh phí 399,94 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ 4.981 gia đình người có công với cách mạng, đã hoàn thành giải ngân 241,36 tỷ đồng; hoàn thành hỗ trợ cho gần 3.000 hộ nghèo về nhà ở với kinh phí giải ngân là 158,58 tỷ đồng.
“Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thực hiện tinh thần chỉ đạo tại Kết luận số 97-KL/TW, ngay tại Hội nghị công bố tỉnh không còn hộ nghèo ngày 31-10, Ủy ban MTTQ tỉnh phát động phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo huyện Yên Phong trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà cho gia đình ông Đặng Văn Sơn, thôn Phù Yên, xã Dũng Liệt (Yên Phong).
Quyết tâm của tỉnh được minh chứng bằng những quyết sách nhanh, mạnh và hành động cụ thể. Ngày 14-11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Quyết định số 1179-QĐ/TU về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, gồm 33 thành viên do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Tại kỳ họp thứ 24 (khóa XIX), HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về việc: “Thông qua chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh năm 2024 và 2025”.
Từ chủ trương đó, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bắc Ninh cụ thể hóa bằng việc xây dựng Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ của các thành viên. Đến ngày 30-11, các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, tiến hành rà soát chính xác danh sách từng hộ, có thông tin chi tiết, cụ thể về BCĐ, đồng loạt trong ngày 1 và ngày 2-12 tổ chức khởi công xây dựng mỗi huyện, thị xã, thành phố 2 hộ.
Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Việt Hùng cho biết: Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 9-11-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước, Sở Xây dựng đã ban hành Kế hoạch số 429/KH-SXD về việc tổ chức hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc triển khai bình xét, rà soát, phê duyệt danh sách đối tượng hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tổ chức các Đoàn công tác trực tiếp xuống từng cơ sở, địa phương để phổ biến, tuyên truyền, quán triệt về chủ trương, chính sách và yêu cầu của công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn các địa phương thực hiện việc rà soát, bình xét, công khai và phê duyệt danh sách, bảo đảm đúng đối tượng, đủ điều kiện để được hỗ trợ.
UBND tỉnh đặt ra yêu cầu, sau khi được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa, nhà ở phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2. Riêng người độc thân, hộ người cao tuổi không nơi nương tựa, có thể xây dựng nhà ở diện tích sử dụng nhỏ hơn nhưng không nhỏ hơn 18m2. Các ngôi nhà được xây mới hoặc sửa chữa phải bảo đảm “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ đạt từ 20 năm trở lên. Mỗi sở, ngành thành viên BCĐ tỉnh vận động nguồn lực hỗ trợ một hộ nhà xây mới hoặc sửa chữa. Ủy ban MTTQ chủ động kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tặng quà và các vật dụng thiết yếu, thiết bị nghe nhìn cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Các địa phương thực hiện nghiêm công tác tổng hợp, báo cáo tiến độ về Sở Xây dựng; phân bổ nguồn hỗ trợ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Đối tượng được ưu tiên xóa nhà tạm, nhà dột nát theo thứ tự là: Gia đình người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ; hộ gia đình có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội; hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật); các gia đình thuộc đối tượng yếu thế còn lại. |
Các địa phương nhanh chóng bắt tay vào cuộc, huy động toàn bộ hệ thống chính trị triển khai thực hiện, trước mắt là việc rà soát, bình xét, công khai danh sách đối tượng, bảo đảm đúng người, đúng việc, đúng đối tượng, không bỏ sót, “không làm qua loa, bệnh thành tích”. Toàn bộ các hộ có nhà ở tạm, nhà dột nát trên đất ở hợp pháp đều được đưa ra bình xét ở thôn, khu phố. Qua rà soát của UBND các huyện, thị xã, thành phố, toàn tỉnh Bắc Ninh có 134 hộ cần xóa nhà tạm, nhà dột nát; trong đó có các đối tượng là gia đình người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ, hộ cận nghèo, yếu thế có hoàn cảnh khó khăn.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh nhấn mạnh: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, chương trình lần này được phát động trên tinh thần: “Ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít”; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo động lực truyền cảm hứng xã hội để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cùng chung tay hỗ trợ trong triển khai thực hiện. Các sở, ngành, địa phương kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chính sách theo quy định, không để bị lợi dụng, trục lợi, tiêu cực, lãng phí. Quyết tâm trong việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các gia đình người có công, hộ cận nghèo, yếu thế, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; thống nhất mức hỗ trợ 100 triệu đồng/1 hộ xây mới và 50 triệu đồng/1 hộ sửa chữa.
Bài 2: Triệu tấm lòng chung tay xây mái ấm
Phương Uyên-Phong Hằng
Ý kiến ()