Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt và lộ trình thực hiện của tỉnh là không có sự lay chuyển về mặt ý chí, Chủ tịch UBND tỉnh giao thành phố Bắc Ninh, huyện Yên Phong, huyện Tiên Du thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành tổng kiểm tra tất cả các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nằm trong khu dân cư và CCN làng nghề, kiên quyết đóng cửa nếu gây ô nhiễm, vi phạm đất đai, an toàn điện, phòng cháy, chữa cháy… để ô nhiễm môi trường không còn là nỗi đau kéo dài.
Kỳ I. Sản phẩm xuất đi, ô nhiễm môi trường ở lại
Kỳ II. Ô nhiễm môi trường không còn là nỗi đau kéo dài
Các cơ sở sản xuất vi phạm về môi trường làng nghề đóng cửa dừng mọi hoạt động.
Sức khỏe, tính mạng của người dân là vốn quý nhất!
25 năm gắn bó với nghề sản xuất giấy, ông Lương Quốc Toản, Phó Tổng Giám đốc Công ty Giấy và bao bì Phú Giang (CCN Phú Lâm) hiểu rõ những vấn đề “ở trong chăn” của kinh tế làng nghề. Trước đây, các cơ sở sản xuất hoạt động nhỏ lẻ, công nghệ chắp vá, lạc hậu cùng với tư duy lợi ích cá nhân, chỉ chú trọng đến thu lợi kinh tế mà bỏ qua, thậm chí vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Người vi phạm lại thu lợi nhiều hơn người nghiêm chỉnh chấp hành, từ đó dẫn tới tư tưởng “cha chung không ai khóc”, mạnh ai nấy làm, khiến cho làng nghề trở thành “điểm đen” về ô nhiễm môi trường.
Ông Toản dẫn chứng thêm: Việc quy hoạch, xây dựng các CCN làng nghề vốn được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường khi các doanh nghiệp, hộ sản xuất thay đổi quy mô, dây chuyền công nghệ. Tuy nhiên, trên thực tế việc kiểm soát ô nhiễm không đạt hiệu quả. Nguyên nhân chính là do chế tài xử lý từ các quy định của hệ thống văn bản pháp luật về môi trường còn thiếu và chưa đồng bộ. Công tác kiểm tra, xử lý, giám sát… thực hiện thiếu tính triệt để, nghiêm minh. Có không ít trường hợp xử phạt để tồn tại, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tái phạm ở mức nghiêm trọng hơn.
Đối thoại với các doanh nghiệp, hộ sản xuất giấy của phường Phong Khê, Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh Nguyễn Mạnh Hiếu thẳng thắn chỉ rõ: Qua hơn 3 năm kiểm tra, xử lý ở Phong Khê, thực chất số doanh nghiệp phải đóng cửa còn quá khiêm tốn so với mức độ sai phạm. Các doanh nghiệp, hộ sản xuất chỉ biết thu lợi mà không quan tâm đến việc đổi mới mô hình hoạt động, đầu tư công nghệ xử lý ô nhiễm dẫn tới chất lượng môi trường ngày càng suy giảm nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân, cộng đồng dân cư làng nghề và khu vực lân cận. Cái giá từ sự “bất chấp vi phạm về môi trường để đổi lấy lợi ích kinh tế” là quá đắt. Đây là thời hạn cuối cùng phải xử lý và tất cả mọi người phải nghiêm túc chấp hành.
Đồng thuận với chủ trương của tỉnh và thành phố, ông Trương Văn Sử (phường Phong Khê) nêu nguyện vọng: “Phát triển kinh tế làng nghề không chỉ giữ nghề truyền thống mà còn tạo ra sinh kế cho hàng nghìn người dân địa phương. Đóng cửa nhà xưởng, dừng hoạt động sản xuất, là mất đi nguồn thu nhập, thậm chí rơi vào cảnh nợ nần. Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền quan tâm xây dựng một KCN riêng cho ngành sản xuất giấy, chỉ chấp thuận cho các doanh nghiệp có đủ năng lực, công nghệ hiện đại, xử lý môi trường đồng bộ…được phép hoạt động để người dân tiếp tục được làm nghề”.
Đại diện đơn vị chủ đầu tư CCN làng nghề Mẫn Xá phối hợp với Phòng PC03 (Công an tỉnh) giải quyết các thủ tục liên quan đến dự án của các doanh nghiệp.
Tại Văn bản chỉ đạo số 1671 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và số 3688 của Chủ tịch UBND khẳng định quan điểm nhất quán trong chỉ đạo, điều hành của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh: Tăng cường xử lý, tiến tới xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nước thải, khí thải, chất thải tại các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng tại phường Phong Khê, CCN Phú Lâm và xã Văn Môn. Yêu cầu các địa phương có làng nghề bị ô nhiễm phải xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết, có lộ trình, mốc thời gian đóng cửa, di dời, chuyển đổi tất cả các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, bảo đảm hoàn thành trước 31-12-2024.
Thành phố Bắc Ninh được đánh giá cao khi là địa phương tiên phong, với nhiều cách làm sáng tạo, hợp lòng dân trong thực hiện nhiệm vụ xử lý triệt để ô nhiễm môi trường từ sản xuất giấy, vốn tồn tại hàng chục năm tại phường Phong Khê. Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật về môi trường được triển khai đồng bộ thông qua các buổi đối thoại với người dân, doanh nghiệp. UBND thành phố tổ chức giới thiệu địa điểm đầu tư mới, xin ý kiến đóng góp về phương án hỗ trợ di dời sản xuất… Chính cách làm thấu tình đạt lý, vừa kiên quyết, kiên trì xử lý những tồn tại về ô nhiễm môi trường, coi trọng sức khỏe, tính mạng của người dân là vốn quý nhất đã tạo sự đồng thuận cao đối với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, từ đó chủ động chấp hành chủ trương của tỉnh và thành phố.
Với ý chí quyết tâm của tập thể, trách nhiệm cao của tập thể lãnh đạo thành phố Bắc Ninh, hết tháng 10, thành phố cơ bản hoàn thành kế hoạch đóng cửa, chuyển đổi, di dời các cơ sở sản xuất giấy trong khu dân cư. Thành phố tiếp tục triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường, an toàn điện, phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất trong CCN Phong Khê I và II, được nhân dân đồng thuận, ủng hộ.
Ở làng nghề cô đúc nhôm Mẫn Xá, các cán bộ lãnh đạo thôn, đảng viên cũng tham gia vào hoạt động sản xuất của gia đình. Tại kỳ sinh hoạt đảng nhật tháng 11-2024 với Chi bộ Mẫn Xá (Đảng bộ xã Văn Môn), Bí thư Huyện ủy Yên Phong Hoàng Bá Huy nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Từng đồng chí đảng viên phải trở thành hạt nhân gương mẫu, tích cực, đi đầu và tham gia vận động gia đình, người dân tự nguyện đóng cửa, dừng mọi hoạt động sản xuất của làng nghề cô đúc nhôm. Đây không chỉ là mệnh lệnh từ văn bản chỉ đạo của cơ quan chức năng mà còn là mệnh lệnh từ trái tim, khối óc của công dân đối với tương lai phát triển của quê hương. Yên Phong đang dồn sức cho mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào cuối năm 2025, chỉ tính riêng kinh phí cho công tác khắc phục các bãi tập kết phế liệu, phế thải tồn đọng ở Mẫn Xá khoảng hơn 200 tỷ đồng. Có tiền cũng không mua được sức khỏe người dân, các cấp chính quyền sẽ ưu tiên bố trí nguồn lực để giải quyết triệt để và sớm nhất.
UBND huyện Tiên Du tích cực vào cuộc, phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh chỉ đạo cơ sở sản xuất thực hiện khắc phục những tồn tại, hạn chế xử lý nước thải tại CCN Phú Lâm. Lộ trình đặt ra gồm 2 giai đoạn: Đến ngày 31-12-2024, các doanh nghiệp nằm ngoài CCN phải dừng hoạt động; đến ngày 31-12-2029, doanh nghiệp trong CCN phải dừng hoạt động hoặc chuyển đổi mô hình. Hiện tại, 100% các cơ sở nằm ngoài CCN đã dừng hoạt động nhưng chưa di dời xong máy móc, UBND huyện Tiên Du tổ chức đối thoại với các cơ sở sản xuất để lắng nghe và cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Tự nguyện phá dỡ lò đốt dù chưa một ngày hoạt động
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố Bắc Ninh sẽ tiến hành kiểm tra về môi trường và an toàn điện đối với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tại CCN Phong Khê I và II. Hiện tại, có 25 cơ sở tự nguyện tháo dỡ công trình, hệ thống đường ống dẫn hơi, dẫn nước thải. Trong tháng 12, thành phố tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất hơi thương phẩm (29 lò hơi thương phẩm của 2 CCN); sau đó kiểm tra luân phiên các cơ sở sản xuất, quyết tâm hoàn thành trong quý 1-2025 và có biện pháp xử lý các cơ sở vi phạm theo quy định.
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh do Đại tá Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Công an tỉnh làm Trưởng đoàn trực tiếp chỉ huy công tác kiểm tra nguồn hàng ra, vào làng nghề; kiểm tra việc chấp hành các quy định đối với các cơ sở trong CCN làng nghề Mẫn Xá. Sự vào cuộc của Đoàn kiểm tra liên ngành phát huy hiệu quả tức thì. Các cơ sở vi phạm, các hộ sản xuất trong khu dân cư cam kết tự nguyện dừng hoạt động sản xuất.
Là cơ sở đầu tiên trong CCN Mẫn Xá tự nguyện phá dỡ lò đốt, ông Nguyễn Văn Thoàn chia sẻ: Cơ sở của tôi vừa xây dựng xong, dù chưa chưa một ngày đi vào hoạt động nhưng khi được Đoàn kiểm tra liên ngành chỉ rõ những tồn tại, sai phạm, gia đình tự nguyện tháo dỡ lò đốt. Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở đủ điều kiện được hoạt động trong CCN, có chính sách hỗ trợ kinh phí di dời đến địa điểm sản xuất mới.
Các hộ sản xuất ở làng Mẫn Xá tự tháo dỡ hệ thống lò cô đúc nhôm.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt huyện Yên Phong, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ trách nhiệm để xảy ra vi phạm tại CCN làng nghề Mẫn Xá thuộc về chủ đầu tư và công tác quản lý của UBND huyện Yên Phong. Yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Phong chịu trách nhiệm toàn diện trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả thực hiện; phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành trong xử lý vi phạm, phân cấp rõ trách nhiệm để đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ xử lý. Tiếp tục thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của tỉnh về kiểm tra các cơ sở sản xuất trong khu dân cư; vận động các hộ viết đơn xin tự dừng sản xuất khi không đủ điều kiện; kiên quyết xử lý hành vi có biểu hiện chống đối lực lượng chức năng.
Trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác xử lý ô nhiễm môi trường tại xã Văn Môn, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh: Cả hệ thống chính trị và người dân đang kỳ vọng vào sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, sự vào cuộc của các lực lượng chức năng trong giải quyết những điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Bước đầu, sự chuyển biến tích cực tại phường Phong Khê và CCN Phú Lâm tạo sự khích lệ và lan tỏa trong xử lý ô nhiễm môi trường tại xã Văn Môn và các điểm ô nhiễm môi trường trong tỉnh.
Thông điệp đưa ra đến ngày 31-12-2024, các cơ sở sản xuất tại xã Văn Môn vi phạm về môi trường, PCCC và an toàn điện sẽ phải dừng sản xuất; kiên quyết xử lý, không để tình trạng ô nhiễm môi trường là nỗi đau kéo dài; không thỏa hiệp với hành vi cố tình gây ô nhiễm môi trường. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh tiếp tục thực hiện theo đúng nội dung kế hoạch kiểm tra của UBND tỉnh; kiện toàn hồ sơ để xử lý vi phạm đối với CCN và các cơ sở sản xuất; có các hình thức phạt bổ sung; CCN chỉ được hoạt động trở lại sau khi khắc phục các vi phạm; trường hợp không khắc phục sẽ dừng hoạt động vĩnh viễn.
Với các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, căn cơ, phù hợp thực tiễn cơ sở, tỉnh Bắc Ninh vừa đáp ứng nguyện vọng của cả người dân và doanh nghiệp, vừa giải quyết căn bản công tác bảo vệ môi trường, tránh tạo nên điểm nóng an ninh nông thôn. Đến ngày 10-12-2024, toàn bộ các hộ sản xuất cô đúc nhôm tại thôn Mẫn Xá tự nguyện tháo dỡ lò xưởng sản xuất, đóng cửa dừng hoạt động.
Việc hạn chế, di dời, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành là một yêu cầu bắt buộc. Quyết tâm chính trị “Bắc Ninh hành động vì môi trường sạch” cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở với những giải pháp và nhiệm vụ cụ thể, từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm, giải quyết triệt để các vấn đề môi trường cấp bách, xử lý tổng thể, bài bản, căn cơ và toàn diện vấn đề ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, CCN.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành chức năng xử lý quyết liệt, đồng bộ các vi phạm, sai phạm theo lộ trình và phù hợp với thực tiễn nhằm vừa bảo đảm ổn định sản xuất của người dân, doanh nghiệp, vừa giữ vững tình hình an ninh nông thôn. Tỉnh Bắc Ninh phấn đấu đến năm 2025, sẽ căn bản xử lý xong những điểm “nhức nhối” về môi trường, đáp ứng các tiêu chí đô thị loại I, xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương.
Kỳ III. Thời cơ mới, vận hội mới
Phóng sự của Đào Đình Khoa
Ý kiến ()