Bảo tồn, khôi phục và phát triển kinh tế làng nghề không chỉ góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân mà còn tạo ra động lực tăng trưởng cho các địa phương trong công cuộc công nghiệp hóa- hiện đại hóa, xây dựng Nông thôn mới. Tuy nhiên, do tác động của nền kinh tế thị
Kỳ I. Sản phẩm xuất đi, ô nhiễm môi trường ở lại
Tỉnh Bắc Ninh có 62 làng nghề, trong đó 30 làng nghề thủ công truyền thống, tiêu biểu như: Nghề mộc Đồng Kỵ, Phù Khê, Hương Mạc; Đúc đồng Đại Bái, Nguyệt Đức; Tranh Đông Hồ; Giấy Phong Khê, Phú Lâm; Cô đúc nhôm Văn Môn; Sắt thép Đa Hội…
Kế thừa và phát huy tinh hoa vốn nghề của cha ông, nhạy bén nắm bắt quy luật của nền kinh tế thị trường, nhiều làng nghề nổi tiếng với danh xưng “làng Giám đốc, làng tỷ phú”, đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh, tạo việc làm, tăng thu nhập, nhân cấy nghề mới cho người dân, giúp họ yên tâm “ly nông không ly hương”.
Khói bụi phát thải từ hoạt động sản xuất giấy tại Cụm Công nghiệp Phong Khê ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt không chỉ người dân làng nghề mà cả cộng đồng dân cư, cảnh quan của thành phố Bắc Ninh.
Làng nghề sản xuất giấy “đầu độc” sông Ngũ Huyện Khê
Cùng Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Quang Khải, nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ điền dã tìm tư liệu bổ sung cho việc tái bản cuốn sách “Làng xã tỉnh Bắc Ninh”, ông Khải bảo tôi: Đặc trưng văn hóa làng của Bắc Ninh đều gắn với việc phụng thờ Thành hoàng tại đình làng. Nhất là các làng nghề truyền thống thường thờ ông tổ nghề làm Thành hoàng.
Đến thăm Khu phố Dương Ổ (phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh), ông Khải chia sẻ thông tin: Khu phố Dương Ổ (có tên gọi khác là Đống Cao), xưa kia nổi tiếng với nghề làm giấy dó. Trong tiềm thức của người Việt, nói đến tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống, sắc phong… không thể thiếu giấy dó. Các triều đại phong kiến sử dụng giấy dó để chép sử, ghi gia phả, thần tích, học hành, thi cử. Các bản sắc phong, thư tịch cổ chứa đựng nhiều tư liệu lịch sử vô giá còn lưu giữ được đến ngày nay chính là nhờ yếu tố dai, bền, mỏng nhưng không nhòe mực của giấy dó.
Trong hồi ức của nhà báo lão thành Nguyễn Khang (Khu Đào Xá, phường Phong Khê) người viết hàng trăm bài báo, in sách về nghề sản xuất giấy của quê hương: Nghề làm giấy dó, giấy bản truyền thống, phát triển mạnh vào những năm giữa thế kỷ 20. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, giấy dó Đống Cao phục vụ in báo, in tài liệu…của các cơ quan Nhà nước. Người đến cung cấp nguyên liệu, người mua giấy tấp nập từ sáng đến tối. Cả làng làm không đủ cung ứng cho thị trường. Sau này, khi có giấy công nghiệp, giấy nhập khẩu lấn át, cộng với thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sản xuất pháo nổ, thị trường giấy dó, giấy bản dần bị thu hẹp.
Rác thải, nước thải của nhiều cơ sở sản xuất ở Phong Khê chưa qua xử lý đổ trực tiếp ra ao hồ, ruộng đồng.
Bước vào thời kỳ đổi mới, người dân Đống Cao nhạy bén chuyển sang sản xuất giấy theo dây chuyền công nghiệp. Thời kỳ đầu chỉ một vài hộ có diện tích đất ao, vườn rộng, lại tiếp giáp với đường giao thông, bờ đê sông Ngũ Huyện Khê mạnh dạn đầu tư dàn máy seo giấy. Khi nhu cầu thị trường tăng cao, nhiều hộ sản xuất chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, thuê đất xây dựng nhà xưởng. Năm 1995, Phó Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải về thăm mô hình phát triển kinh tế làng nghề, biểu dương sự năng động của người dân Phong Khê khi chuyển đổi từ sản xuất thủ công sang công nghiệp, cung cấp nhiều sản phẩm bao bì cho ngành sản xuất xi măng, đóng gói hàng hóa xuất khẩu.
Đầu năm 2000, mô hình Cụm công nghiệp (CCN) làng nghề được tỉnh Bắc Ninh đặc biệt quan tâm nhằm di dời các hộ sản xuất trong làng vào khu tập trung nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường sống của người dân. Năm 2001, CCN Phong Khê được khánh thành đi vào hoạt động, kinh tế làng nghề như bước sang một trang mới. Những năm sau đó, giá trị sản xuất ngành giấy luôn là “đầu tàu” trong giá trị sản lượng của ngành Tiểu thủ công nghiệp, là “điểm sáng” trong báo cáo thành tích của các ngành, các địa phương. Không ít tập thể, cá nhân trở thành Chiến sĩ thi đua toàn quốc, được tặng Bằng Khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động của Chủ tịch nước. Nhiều tỷ phú của làng nghề trở thành những doanh nhân thành đạt, điển hình tiên tiến trong các Hội nghị thi đua từ cơ sở đến Trung ương.
Toàn phường Phong Khê có 326 cơ sở sản xuất, kinh doanh giấy đang hoạt động (CCN Phong Khê I có 73 cơ sở; Phong Khê II có 59 cơ sở; 194 cơ sở tại khu dân cư Dương Ô, Đào Xá, Châm Khê). Ngoài ra có gần 1.000 cơ sở kinh doanh phụ trợ cho ngành tái chế giấy phế liệu. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động thường xuyên và thời vụ với thu nhập bình quân từ 12-15 triệu đồng/tháng.
Cụm Công nghiệp làng nghề Mẫn Xá thu hút được các doanh nghiệp đầu tư song tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn không được cải thiện.
Qua kiểm tra, rà soát của cơ quan chức năng chỉ có 52 cơ sở tại CCN Phong Khê I có hồ sơ môi trường được phê duyệt; 05 cơ sở đã được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; 28 cơ sở tại CCN Phong Khê II có hồ sơ môi trường được phê duyệt; 01 cơ sở đã được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Hầu hết các sai phạm tập trung ở việc sử dụng sai mục đích trên đất ở, đất nông nghiệp, đất cây xanh, đất giao thông…Cùng với đó là hạ tầng giao thông hư hại không được đầu tư, cải tạo, nâng cấp kịp thời. Quy hoạch đô thị gần như bị quên lãng, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp xây dựng nhà ở trong khuôn viên đất nhà xưởng. Hệ thống lò hơi đơn lẻ sử dụng nguyên liệu phế thải cho lò đốt, trạm cấp điện mọc lên như “nấm sau mưa” càng khiến tình trạng ô nhiễm môi trường, mất an toàn cháy nổ trở nên nghiêm trọng.
Những tồn tại này kéo dài từ trước khi Phong Khê được sáp nhập về thành phố Bắc Ninh (trước năm 2007, xã Phong Khê thuộc huyện Yên Phong). Các doanh nghiệp khi tiến hành đầu tư dây chuyền sản xuất tự hoán đổi diện tích, thu gom đất ở, đất nông nghiệp.
Tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra trong nhiều năm, có chiều hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Chất thải rắn phát sinh trong quá trình sản xuất được đổ ven đê sông Ngũ Huyện Khê, các khu vực đất trống (khối lượng tồn đọng khoảng trên 30.000 tấn). Khí thải của hơn 320 lò hơi không được xử lý triệt để, nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất sử dụng rác thải công nghiệp đốt lò hơi khiến khói bụi đặc quánh, khét nẹt, không khí luôn ngột ngạt, khó chịu. Với đặc thù nước thải của giấy Kraft và giấy vàng mã sản xuất từ nguyên liệu giấy, bìa phế liệu, sử dụng lượng lớn phẩm màu, hóa chất các loại nên nước thải thường có các thông số ô nhiễm vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp ngành giấy và bột giấy từ 20 đến 30 lần. Các cơ sở sản xuất xả nước thải (khoảng trên 20.000 m3/ngày đêm ) không qua xử lý ra các kênh, cống rãnh, ao hồ, đồng ruộng xung quanh sau đó chảy ra sông Ngũ Huyện Khê và chảy vào Sông Cầu lúc đỏ ngầu, lúc đen kịt, bọt sủi trắng xóa cả một khúc sông, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Trụ sở chính quyền, trường học, trạm y tế…dù đóng kín cửa vẫn bị khói bụi, tiếng ồn bủa vây suốt ngày đêm.
Một cán bộ ngành Y tế (xin được giấu tên) khẳng định: Nhắc đến Phong Khê, Văn Môn là nói đến “điểm đen” về ô nhiễm môi trường ở mức “Báo động đỏ”! Nhiều năm nay, hai địa phương này luôn dẫn đầu về tỷ lệ người chết do mắc bệnh ung thư, lao phổi. Người già, trẻ em mắc các bệnh lý về hô hấp, đường tiêu hóa, người trong độ tuổi lao động mắc các bệnh lý về da do tiếp xúc thường xuyên với hóa chất, khói bụi. Nhiều vụ cháy nổ lò hơi, chập cháy điện xảy ra gây thiệt hại về người và tài sản, để lại sự bất an thường trực đối với người lao động cũng như người dân làng nghề. |
Cô đúc nhôm Mẫn Xá “hun khói” đình, đền Tướng quốc
Làng nghề tái chế nhôm phế liệu Mẫn Xá (xã Văn Môn, huyện Yên Phong) có gần 300 cơ sở kinh doanh phế liệu, buôn bán, cô đúc nhôm. Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường: Trung bình mỗi ngày làng nghề phát sinh khoảng 30 - 40 tấn chất thải rắn, gồm bã thải xỉ nhôm, xỉ than từ quá trình cô đúc kim loại, chưa được thu gom triệt để. Ngoài bãi tập kết, phế thải còn đổ tràn xuống đường giao thông, kênh mương nội đồng và các khu đất trống. Kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí, các chỉ tiêu phân tích (tiếng ồn, bụi, SO2, NO2) đều vượt quy chuẩn cho phép từ 1,2 - 1,8 lần. Nguồn nước thải từ sản xuất, sinh hoạt, chăn nuôi chưa được thu gom, xử lý, xả trực tiếp ra các ao, hồ, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Kết quả quan trắc chất lượng nước mặt cho thấy, các chỉ tiêu phân tích (pH, BOD5, COD, SS, Fe, Cu, Ni, Pb, dầu mỡ) cao hơn chuẩn cho phép từ 1,5 - 16 lần.
Từ năm 2019 đến nay, các cơ quan chức năng xử phạt hàng trăm tập thể, cá nhân vi phạm với số tiền hàng chục tỷ đồng. UBND tỉnh đình chỉ hoạt động, tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ cơ sở sản xuất cô đúc nhôm tạm bợ của 140 hộ song tình trạng tái vi phạm và ô nhiễm vẫn không ngừng gia tăng.
Làng Mẫn Xá ngoài sự “nổi tiếng” về ô nhiễm môi trường, giờ đây còn nổi bật với quần thể di tích đình, đền Tướng Quốc linh từ và Chùa Thánh Quang được nhân dân địa phương cùng các doanh nhân thành đạt là con em địa phương hưng công, đóng góp hàng trăm tỷ đồng. Từ khi còn đang xây dựng cho đến lúc hoàn thiện, Cụm di tích trở thành một điểm du lịch nổi tiếng của không chỉ huyện Yên Phong mà cả tỉnh Bắc Ninh, được đưa vào bản đồ du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, do môi trường ô nhiễm nghiêm trọng nên lượng khách đến đây tham quan còn khiêm tốn.
Sinh ra và lớn lên từ làng nghề Mẫn Xá, làm giàu từ nghề truyền thống của làng, ông Mẫn Ngọc Anh, Chủ tịch Tập đoàn HANAKA ấp ủ tâm nguyện được góp sức mình vào sự đổi thay của quê hương. Cụm công nghiệp làng nghề Văn Môn được triển khai đầu tư xây dựng từ năm 2016 với 400 lô đất phục vụ cho các hộ sản xuất trong làng di dời nhà xưởng. Sau nhiều năm vận động tuyên truyền, có gần 80 cơ sở chuyển vào sản xuất tại CCN làng nghề. Tuy nhiên, qua kiểm tra của các cơ quan chức năng, đến nay, đơn vị chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao hồ sơ nghiệm thu hoàn công, giấy phép về môi trường và công trình bảo vệ môi trường...
Nhiều người dân ở đây than phiền: Tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng nghề ngày càng nghiêm trọng nhưng chấp nhận “sống chung” bởi không biết chuyển đi đâu, có nghề thì mới có việc làm và thu nhập, ổn định cuộc sống. Khi trời tạnh ráo, bụi xỉ nhôm bám vào cây cối, nhà cửa rất bẩn. Khi trời mưa, nước đen kịt cuốn theo cặn bẩn xuống sân, bám vào tường nhà. Cả năm, may ra chỉ có dịp Tết là cả làng nghề được hưởng trọn không khí trong lành do các lò nhôm đóng cửa, tạm dừng hoạt động.
Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường làng nghề như hiện nay được xác định là do việc tái cơ cấu làng nghề chưa được thực hiện triệt để nên đa số có quy mô sản xuất nhỏ, vốn đầu tư thấp, khó có điều kiện phát triển hoặc đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường. Các cơ sở sản xuất chưa đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải, không có các hạng mục, công trình bảo vệ môi trường theo quy định nên hầu hết chất thải độc hại đều thải trực tiếp ra môi trường. Mặt khác, do nhiều cơ sở sản xuất chỉ quan tâm đến lợi nhuận, bỏ qua các công đoạn lựa chọn nguyên liệu đầu vào, sử dụng hóa chất nhằm hạ giá thành sản phẩm, khiến cho chất lượng môi trường khu vực các làng nghề ngày càng xấu đi, để lại những hệ lụy ô nhiễm đất, nguồn nước ngầm nghiêm trọng... phải mất rất nhiều năm mới có có thể khắc phục được.
Kỳ II: Ô nhiễm môi trường không còn là nỗi đau kéo dài
Phóng sự của Đào Đình Khoa
Ý kiến ()