Bài 5: Kỷ niệm không quên về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Chung niềm tôn kính và tiếc thương vô hạn khi nhận tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Những nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, còn có cả những măng non Quan họ cũng không khỏi xúc động, cảm thấy hụt hẫng như mất mát người thân: "...Ông căn dặn chúng con chăm ngoan học giỏi, cố gắng thuộc thêm nhiều làn điệu Quan họ để lần sau ông về lại hát cho ông nghe. Bây giờ ông mất rồi, chúng con không còn cơ hội được hát Quan họ cho ông nghe nữa. Con rất buồn và tiếc thương ông!"- một liền chị nhí rưng rưng nhớ về kỷ niệm được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào mùa xuân năm 2022.
Bài 1: Một nhân cách sĩ phu Bắc Hà trong văn hóa Kinh Bắc
Bài 2: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lần cuối cùng về thăm quê hương Quan họ
Bài 3: Nguyện khắc ghi lời căn dặn của Tổng Bí thư
Bài 4: Phát triển Bắc Ninh thành tỉnh đi đầu về chất lượng cuộc sống và sự hưởng thụ của nhân dân
Hình ảnh vị lãnh đạo tài đức, gần gũi, thân tình mãi trong trái tim
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Thềm và Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Sang luôn trân trọng tấm thiệp chúc mừng năm mới được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký tặng.
Nâng niu tấm thiệp chúc mừng năm mới có chữ ký của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đóng trang trọng trong khung và gìn giữ, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Thềm nghẹn ngào: “Khi nghe tin Tổng Bí thư mất, tôi cảm thấy như mất mát chính người thân trong gia đình”. Chẳng thể ngờ, cuộc gặp cách đây hơn 2 năm là lần cuối cùng chị em tôi được thấy bác. Dù bác đã đi xa, sự kính yêu, trân trọng của chúng tôi với Tổng Bí thư sẽ không bao giờ thay đổi, hình ảnh vị lãnh đạo tài đức, gần gũi, thân tình sẽ mãi trong trái tim.”
Nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm chia sẻ: Ngày 24-1-2022 (tức ngày 22 tháng Chạp năm Tân Sửu), tôi và Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Sang được Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch mời đại diện các làng quan họ của Bắc Ninhs cùng một số nghệ sĩ của Nhà nhát dân ca Quan họ Bắc Ninh, các cháu thiếu nhi gặp gỡ và biểu diễn tại Đền Đô nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm và làm việc tại tỉnh. Nhận được thông tin, chúng tôi cảm thấy may mắn và vinh dự, đồng thời chuẩn bị kỹ lưỡng tiết mục biểu diễn.
Trong buổi gặp đó, sau khi nghe chúng tôi hát bài “Em là con gái Bắc Ninh”, Tổng Bí thư dành lời khen ngợi. Ông nói: “Hai chị em ruột vừa giống nhau và hát hay như nhau. Đây là những báu vật sống của làng Quan họ và đất nước”. Sau đó, ông hỏi han về công việc vất vả của nhà nông, động viên 2 chị em tiếp tục đam mê, gìn giữ, truyền dạy cho thế hệ sau để gìn giữ những tinh hoa của Quan họ Bắc Ninh”. Những nghệ nhân chúng tôi vô cùng xúc động và bất ngờ, bởi chưa bao giờ nghĩ những người nông dân nhỏ bé như mình lại được Tổng Bí thư coi trọng và hỏi han với thái độ ân cần, gần gũi đến thế.
Nhớ lời dặn của Tổng Bí thư, chúng tôi vẫn luôn vẹn nguyên tình yêu với Quan họ, tham gia các hoạt động biểu diễn và truyền dạy Quan họ miễn phí cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Nghiên cứu, sưu tầm và tập hợp những kỷ niệm, đồ vật liên quan đến Quan họ lưu giữ tại thư viện Quan họ Sang Thềm do 2 chị em thành lập nhằm bảo tồn giá trị văn hóa, giúp thế hệ mai sau có cơ hội tìm hiểu về nghề chơi Quan họ truyền thống của cha ông.
Được trò chuyện cùng Tổng Bí thư là điều khiến tôi lưu luyến cả cuộc đời
(Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Mùi, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh)
Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Mùi, và các nghệ sĩ Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Nhiều năm công tác tại Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh cho đến khi về hưu, tôi được cùng anh chị em nghệ sĩ tham gia hàng trăm chương trình nghệ thuật lớn nhỏ trong và ngoài nước. Nhiều kỷ niệm đáng nhớ, nhưng có lẽ, cuộc gặp thân tình với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đoạn thời gian được trò chuyện cùng ông khiến tôi lưu luyến cả cuộc đời.
Ngày 22-8-2013, trong chuyến về thăm và làm việc với tỉnh Bắc Ninh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nghe chương trình biểu diễn dân ca quan họ do các liền anh, liền chị của Nhà hát thể hiện và tôi làm nhiệm vụ dẫn chương trình. Trong quá trình dẫn, tôi quan sát thấy đồng chí Tổng Bí thư lắng nghe rất chăm chú, thi thoảng còn viết vài chữ vào giấy. Buổi biểu diễn kết thúc, đồng chí dành tặng các nghệ sĩ nhiều lời khen, trong đó có câu: “Nhạc hay, lời đẹp, ý tứ sâu sa. Người hát đã hay, người dẫn chuyện càng hay”. Tôi hiểu đó không phải là những lời ngẫu hứng. Phải hiểu, yêu và trân quý biết bao thì đồng chí mới nói ra cảm nhận chân thật, sâu sắc và vô cùng ý nghĩa như vậy cho anh chị em nghệ sĩ, cho dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Sau buổi biểu diễn, Tổng Bí thư ngồi lại, ân cần, trò chuyện, câu đầu tiên ông nói: “Xin thưa với nghệ sĩ, tôi là Đông Hội, Đông Anh. Quê tôi vốn thuộc Phủ Từ, Bắc Ninh, quê hương Quan họ. Ấn tượng về Hội xuân xứ Bắc, những làn điệu dân ca và nhiều kỷ niệm đẹp của vùng đất vẫn còn mãi trong tôi”. Trong câu chuyện, được cùng Tổng Bí thư trao đổi về truyền thống văn hóa, lịch sử và Dân ca quan họ Bắc Ninh. Đồng chí khen vùng đất Bắc Ninh Kinh Bắc có bề dày văn hóa truyền thống đặc sắc, đáng tự hào. Quan họ Bắc Ninh thật tuyệt vời, vừa mộc mạc, vừa tha thiết vừa sâu đậm nghĩa tình. Những nghệ sĩ, thế hệ sau phải luôn biết trân quý, kế thừa, gìn giữ và phát huy, phát triển tài sản văn hóa quý báu từ bao đời để lại. Giữ gìn được văn hóa quê hương cũng chính là góp phần gìn giữ văn hóa, niềm tự hào dân tộc.
“Nụ cười ấm áp tinh khôi/ Nụ cười đôn hậu, nụ cười tri âm” Đó là những câu thơ tôi viết sau cuộc gặp với đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Giờ đây, khi ông đã mãi đi xa, cái nắm tay ân cần, nụ cười ấm áp, nồng hậu và những lời Tổng Bí thư chia sẻ trong buổi gặp gỡ năm nào vừa là kỷ niệm vừa là căn dặn để tôi tiếp tục cống hiến, góp sức gìn giữ phát triển nghệ thuật, văn hóa quê hương.
Tự dặn mình sống sao cho xứng đáng
(Nghệ sĩ Nguyễn Hương Sao, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh)
Nghệ sĩ Nguyễn Hương Sao mời trầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi biểu diễn trong lần bác về dâng hương đền Đô (ngày 24-1-2022)
Trong lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về dâng hương đền Đô (ngày 24-1-2022), Nguyễn Hương Sao vinh dự là một trong những nghệ sĩ, nghệ nhân Quan họ được vinh dự biểu diễn phục vụ.
Nghệ sĩ Nguyễn Hương Sao cho biết chị được giao nhiệm vụ mời trầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi các nghệ sĩ Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh thể hiện bài hát “Mời nước, mời trầu” lời cổ. Trước một lãnh đạo lớn nên dẫu đã có nhiều kinh nghiệm đứng trên sân khấu và cũng không phải là lần đầu biểu diễn phục vụ các vị lãnh đạo song tôi vẫn rất run. Ngay như lúc trực tiếp mời trầu Tổng Bí thư, tôi cảm thấy rất hồi hộp, xen chút lo lắng nhưng khi bác ân cần đón nhận khẩu trầu còn đọc tặng vài câu thơ:
“Trầu này trầu tính trầu tình
Trầu loan trầu phượng trầu mình trầu ta
Trầu này têm tối hôm qua
Giấu thầy giấu mẹ mang ra mời người!”… tôi mới nở nụ cười, đồng thời cảm thấy được khích lệ và động viên to lớn. Điều đó xuất phát từ thái độ giản dị và ứng xử sâu sắc của Tổng Bí thư với văn nghệ sĩ. Bác là một chính trị gia tầm cỡ nhưng không quan cách, khó gần. Bác nói cười rất chan hòa, cho nghệ sĩ cảm giác bác là một khán giả thì đúng hơn.
Nói về trách nhiệm cá nhân của người nghệ sĩ trẻ trong việc gìn giữ, phát huy giá trị của văn hoá nói chung, dân ca Quan họ Bắc Ninh nói riêng, Nguyễn Hương Sao luôn tâm đắc phát biểu mà Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn…”. Không chỉ tôi mà tất cả anh chị em nghệ sĩ trẻ càng ngày càng nhận ra trách nhiệm của mình đối với văn hoá, văn nghệ nói chung và dân ca Quan họ nói riêng. Bản thân là nghệ sĩ của Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, tôi luôn nỗ lực tìm hiểu, học hỏi từ các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ gạo cội những bài hát Quan họ cổ để bổ sung vào vốn kiến thức để mình có thể biểu diễn thành công hơn, từ đó phát huy được giá trị để Quan họ Bắc Ninh trường tồn và lan toả góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá Dân ca Quan họ nói riêng và văn hoá nước nhà nói chung.
Khi được tin Tổng Bí thư qua đời, trên Facebook, Zalo cá nhân, nghệ sĩ Nguyễn Hương Sao đăng tấm ảnh mời trầu bác tại đền Đô hồi tháng 1-2022 cùng dòng status trích dẫn câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “… Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng …” để tự dặn mình sống sao cho xứng đáng.
Con rất buồn vì không còn cơ hội hát Quan họ cho ông nghe nữa!
(Nguyễn Diệp Linh, học sinh lớp 6A1, Trường THCS Vạn An, thành phố Bắc Ninh)
Diệp Linh và mẹ xem lại bức ảnh em được chụp cùng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cách đây hơn 2 năm.
Con cảm thấy rất tự hào khi được tham gia biểu diễn Quan họ trong sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm Bắc Ninh đầu năm 2022. Hôm đó, sau khi biểu diễn, chúng con được ông vuốt má chúc mừng rồi tặng quà. Ông khen chúng con xinh xắn, hát hay. Ông còn dặn chúng con chăm ngoan học giỏi, cố gắng thuộc thêm nhiều làn điệu Quan họ để lần sau ông về lại hát cho ông nghe. Bây giờ ông mất rồi, chúng con không còn cơ hội được hát Quan họ cho ông nghe nữa. Con rất buồn và tiếc thương ông!
Lúc ấy con 10 tuổi cùng với 3 bạn khác đang sinh hoạt tại Cung văn hóa thiếu nhi tỉnh được chọn và hướng dẫn luyện tập làn điệu "Trên rừng ba mươi sáu thứ chim" và bài "Lý cây đa" để đi biểu diễn. Cô giáo dặn chúng con cứ thật thoải mái, biểu diễn tự tin, tươi vui nhưng chú ý chào hỏi, thưa gửi lễ phép. Con biết đó là một sự kiện quan trọng nên vừa háo hức vừa hồi hộp. Hôm đó, mẹ con gọi dậy từ 3 giờ sáng để sửa soạn, trang điểm đến 5 giờ thì được cô giáo đưa tới Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh để lên xe cùng các cô chú nghệ sĩ, diễn viên đi đến Đền Đô. Buổi diễn kết thúc, chúng con cùng với các nghệ nhân và cô chú nghệ sĩ được chụp ảnh lưu niệm với Tổng Bí thư. Bố mẹ con đã đem bức ảnh phóng to để treo tường. Đó là kỷ niệm vô cùng quý giá mà con sẽ ghi nhớ suốt cuộc đời.
Ước mơ của con sau này được làm cô giáo dạy hát Quan họ. Con sẽ cố gắng học thật giỏi, chăm chỉ luyện tập, tích lũy thêm nhiều vốn liếng Quan họ và mong muốn được tham gia nhiều chương trình biểu diễn giới thiệu, quảng bá di sản, góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa quê hương với mọi người.
Nguyện bảo vệ và phát huy di sản Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ
(Nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa, làng tranh dân gian Đông Hồ, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay động viên Nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa tại Đền Đô
Tôi may mắn được gặp trực tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 2 lần. Lần đầu tiên vào năm 2010, khi ấy Tổng Bí thư trên cương vị là Chủ tịch Quốc hội về dự Festival Bắc Ninh, còn tôi đang là cán bộ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Lần thứ 2 vào ngày 24-1-2022, tôi cùng vợ là Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Oanh tham gia trình diễn Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ tại Đền Đô nhân sự kiện đón Tổng Bí thư về thăm, chúc Tết Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Ninh.
Ấn tượng của tôi về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự điềm đạm, gần gũi, chân thành với những lời hỏi han ân cần về quá trình làm nghề, những khó khăn thách thức và việc mở rộng sản phẩm... Xúc động nhất là sau buổi trình diễn giới thiệu nghề làm tranh, tôi cùng vợ và con trai được chụp ảnh riêng với Tổng Bí thư. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã chọn bức tranh "Vinh quy bái tổ" do vợ tôi vẽ để làm quà tặng Tổng Bí thư...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chứng kiến Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Oanh (vợ ông Hoa) thực hiện quy trình làm tranh Đông Hồ
Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, bận trăm công nghìn việc nhưng Tổng Bí thư vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đến di sản văn hóa, còn động viên nghệ nhân tâm huyết giữ nghề. Tôi cảm thấy ông giống như một người đi xa về thăm quê hương, không có khoảng cách nào giữa nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng với nhân dân. Gia đình tôi ghi nhớ sâu sắc những lời động viên, căn dặn của Tổng Bí thư và lấy đó làm động lực để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ gìn vẻ đẹp truyền thống của nghề tranh, đồng thời tích cực sáng tạo, phản ánh những đề tài hiện đại trên chất liệu truyền thống để phù hợp với hơi thở cuộc sống mới, đáp ứng nhu cầu của công chúng đương đại. Chúng tôi cũng sẽ khắc phục khó khăn, dành thời gian tích cực tham gia các sự kiện quan trọng của quốc gia, quốc tế nhằm tuyên truyền, giới thiệu với công chúng trong nước và quốc tế biết đến dòng tranh dân gian Đông Hồ, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa, hồn cốt của quê hương, đất nước.
Nhóm PV
Ý kiến ()